Hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công

Thúy Hằng 17/05/2019 08:00

Ngày 16/5, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá việc triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó chỉ ra rằng công tác quản lý, sử dụng tài sản công đã vào nề nếp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, vẫn còn có bộ, ngành chưa ban hành một số quy định hướng dẫn Luật, gây khó khăn trong thực hiện.

Hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu tại Hội nghị.

Ngày 16/5, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá việc triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó chỉ ra rằng công tác quản lý, sử dụng tài sản công đã vào nề nếp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, vẫn còn có bộ, ngành chưa ban hành một số quy định hướng dẫn Luật, gây khó khăn trong thực hiện.

50% bộ, ngành, địa phương ban hành văn bản hướng dẫn

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 21/6/2017 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhấn mạnh sau 1 năm khai thi hành, Luật đã tạo lập cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng quản lý chặt chẽ, sử dụng, khai thác có hiệu quả nguồn lực tài chính từ tài sản công. Theo ông Hà, việc triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã được thực hiện một cách chủ động, đồng bộ. Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai, phổ biến, các nội dung mới của Luật. Đồng thời, thực hiện việc rà soát các văn bản do bộ, ngành, địa phương ban hành có liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp với các quy định của Luật. Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng cho biết các bộ, ngành, địa phương đều đã triển khai việc xây dựng tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng và diện tích chuyên dùng, diện tích công trình sự nghiệp trong cơ sở hoạt động sự nghiệp.

Ông La Văn Thịnh – Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), cho biết việc triển khai thực hiện vẫn còn một số hạn chế như một số loại tài sản và lĩnh vực còn thiếu các văn bản quy định chi tiết hoặc không còn phù hợp với Luật như việc quản lý, khai thác quỹ nhà, đất do công ty quản lý kinh doanh nhà quản lý, việc chuyển đổi mô hình chợ, tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ, một số loại tài sản kết cấu hạ tầng khác. Theo ông Thịnh, nguyên nhân của khó khăn trên là do tài sản công ở nước ta có phạm vi rất rộng, do nhiều chủ thể khác nhau quản lý, sử dụng. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có nhiều đổi mới trong công tác quản lý, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản công theo hướng chặt chẽ, công khai, minh bạch; tuy nhiên, đối với một số tài sản công đặc thù cần có quy trình rà soát, chuyển đổi phù hợp. Số liệu ông Thịnh đưa ra cho thấy, hiện mới có khoảng 50% bộ, ngành, địa phương ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng. Sự chậm trễ này đã ảnh hưởng tới việc đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo và xử lý tài sản. Một số bộ như Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chưa ban hành quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng.

Phối hợp với các bộ

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến từ đại diện các địa phương cho rằng, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP đang có những tồn tại, bất cập. Cụ thể, chưa bao quát hết các đối tượng và phân cấp thẩm quyền quyết định xử lý nhà, đất còn chưa hợp lý, việc xử lý chuyển tiếp đối với trường hợp nhà, đất thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại các quyết định có liên quan chưa được rõ ràng, điều này gây khó khăn cho các địa phương khi triển khai.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, một số bộ, ngành chưa ban hành tiêu chuẩn định mức tài sản chuyên dùng, đó là các ngành có khối lượng tài sản lớn. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Tài chính đôn đốc, phối hợp với các bộ để sớm có hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức. Để tháo gỡ vướng mắc trên, đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới sẽ tiến hành tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với quy định của luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh khẩn trương ban hành quy định về phân cấp quản lý tài sản công theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP. Bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh chỉ đạo xây dựng, ban hành kịp thời tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng để làm cơ sở thực hiện việc giao, đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng tài sản công từ khâu lập dự toán, đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản để phòng ngừa sai phạm. Thời gian tới cơ quan này sẽ phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện Nghị định quy định về việc thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trình Chính phủ ban hành trong tháng 5/2019. Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công và nâng cấp Cơ sở dữ liệu Quốc gia về tài sản công để quản lý tất cả các tài sản công được quy định tại Luật; xây dựng hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công để thực hiện các giao dịch về tài sản (như: bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản,...) đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác quản lý, xử lý tài sản công. Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; xử lý kịp thời nghiêm minh theo quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công