Hiến kế cho Thủ đô phát triển

H.Vũ 30/09/2023 08:30

Ngày 29/9, Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Thủ đô Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, đến nay Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, cơ quan được thành phố giao lập Quy hoạch Thủ đô đã phối hợp với Liên danh tư vấn nghiên cứu (7 liên danh) hoàn thành dự thảo 1 quy hoạch, chuẩn bị thực hiện các bước xin ý kiến đối với quy hoạch theo quy định.

“Thủ đô Hà Nội có một đặc thù vô cùng thuận lợi mà không địa phương nào trên cả nước có được. Đó là nơi đặt trụ sở của gần 100 trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn. Trong đó có nhiều trường đại học lớn, có bề dày truyền thống phát triển, với hàng nghìn giảng viên, nhà khoa học, cán bộ có trình độ chuyên môn cao, trong đó, số lượng giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học chiếm khoảng 65% cả nước” - ông Hải nêu dẫn chứng và cho rằng, việc xác định được chính xác những điểm nghẽn của Hà Nội sẽ góp phần đưa ra được những ý tưởng đột phá, giải pháp cụ thể để Hà Nội có thể bứt phá, phát triển theo tinh thần Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị. Đồng thời tiếp tục gợi ý định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là thành phố đáng sống.

Ở góc độ y tế, GS.TS, bác sĩ Tạ Thành Văn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, Hà Nội cần có các chính sách, cơ chế sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời cần ban hành các chính sách, cơ chế sử dụng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao thuộc các bệnh viện, trường đại học y - dược trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn.

Muốn vậy, theo ông Văn cần có chính sách nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện, chiến lược và có kế hoạch cụ thể để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực y tế chất lượng cao. Xây dựng mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực y tế đặc thù của Thủ đô, phù hợp với quy hoạch mạng lưới đào tạo nhân lực y tế tổng thể quốc gia.

“Cần phải có các chính sách ưu đãi tuyển dụng, chi trả lương phù hợp, khuyến khích nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại tuyến y tế cơ sở. Có chế độ đãi ngộ, quy định về khám, chữa bệnh và cơ chế chi trả bảo hiểm y tế phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa và đặc thù của Thủ đô” - ông Văn kiến nghị.

Trong khi đó, GS.TS Hoàng Văn Cường (ĐBQH TP Hà Nội), Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, chỉ rõ hiện Hà Nội đã có Luật Thủ đô, tuy nhiên trong đó còn nhiều quy định ràng buộc làm hạn chế sự phát triển. Đơn cử như: Hà Nội chưa có hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông công cộng quy mô lớn để phục vụ cho hơn 8 triệu dân; môi trường bị ô nhiễm nặng nề; quy hoạch đô thị còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế; bộ máy cán bộ chưa năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm nên chưa thực sự tạo ra nhiều đột phá.

Cho rằng “đây là những điểm nghẽn cơ bản mà Hà Nội cần giải quyết”, ông Cường kiến nghị, cơ cấu kinh tế Hà Nội trong tương lai vẫn được xác định phát triển dịch vụ là khu vực trụ cột đóng góp phần lớn cho sự phát triển của Thủ đô, gồm dịch vụ đô thị, logistics, di sản văn hoá, tài chính ngân hàng và dịch vụ bất động sản. Còn công nghiệp Hà Nội giữ vai trò ổn định, dẫn dắt sản xuất công nghiệp trong vùng, đi vào công nghệ cao, đặc biệt dẫn đầu về công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Ông Cường cũng đề xuất quan tâm thêm đến vấn đề đô thị dịch vụ bất động sản, và vấn đề môi trường cảnh quan. Theo đó, chú trọng khai thác không gian hồ và các dòng sông được kỳ vọng vừa tạo cảnh quan đặc trưng riêng có của Thủ đô xanh, sinh thái, vừa tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển bền vững, tạo không gian du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng, đáp ứng nhu cầu khách du lịch và người dân đô thị.

Còn PGS.TS. Bùi Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho rằng, kinh nghiệm về sự phát triển của các quốc gia như Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy việc phát triển các vùng kinh tế nói chung và Vùng Thủ đô nói riêng cần có một trung tâm cốt lõi, đóng vai trò dẫn dắt và thúc đẩy liên kết vùng đô thị.

Theo ông Tuấn, việc quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội trong vai trò dẫn dắt và kết nối các địa phương trong Vùng Thủ đô cần có cơ chế giúp kết nối chức năng của mỗi tỉnh, thành phố trong vùng, có kế hoạch tổng thể trong việc phát triển hệ sinh thái các ngành nghề một cách thống nhất, cùng chia sẻ hệ thống hạ tầng như cảng biển, sân bay. Đồng thời, bên cạnh việc đẩy mạnh kết nối giữa TP Hà Nội và các địa phương trong Vùng Thủ đô, cần có cơ chế để thúc đẩy kết nối giữa TP Hà Nội, giữa Vùng Thủ đô với các cực phát triển kinh tế khác trên cả nước tạo thành một mạng lưới để kết nối các cực phát triển kinh tế với nhau.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, sẽ tiếp thu một cách nghiêm túc các giải pháp, kiến nghị của các chuyên gia, nhà khoa học để bổ sung, cụ thể hoá vào những chương trình, kế hoạch, nhất là việc tổ chức triển khai công tác lập quy hoạch Thủ đô đang trong giai đoạn “nước rút”, cần lấy ý kiến rộng rãi của chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân để hoàn thiện quy hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiến kế cho Thủ đô phát triển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO