Hiện thực hóa giấc mơ thuê nhà giá rẻ

Minh Long -Minh Sang 07/08/2023 07:02

Thu nhập thấp, lãi suất vay ngân hàng cao, giấc mơ có nhà ở của công nhân ngày một thêm xa vời. Trong khi đó để xây dựng nhà ở xã hội, các địa phương lại thiếu quỹ đất, vướng rào cản về pháp lý, thủ tục. Doanh nghiệp xây dựng cũng gặp không ít khó khăn. Vậy, việc xây dựng nhà giá rẻ cho công nhân, người lao động thuê có phải là giải pháp tốt nhất trong thời điểm hiện tại và bao giờ thì sẽ thành hiện thực?

Nhiều công nhân lao động mong muốn có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để được thuê nhà giá rẻ. Ảnh: Quang Vinh.

Nhà ở vẫn luôn là ước mơ và cũng là mong mỏi lớn lao của phần lớn công nhân. Cùng đi làm nhưng nhìn người có nhà ở, nhiều công nhân không khỏi chạnh lòng. Đó là chia sẻ của rất nhiều công nhân tại buổi tọa đàm “Chỗ ở công nhân: Từ thực tiễn đến chính sách” tổ chức tại Hà Nội mới đây.

Một góc khu trọ nhà công nhân thuê thôn Bầu, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội.

May mắn vì thuê được căn nhà ở xã hội

Sáng ngày 6/8, chúng tôi có mặt tại khu nhà ở xã hội (NOXH) cho công nhân thuê tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội. Những khu nhà ở đây tuy hạ tầng đã cũ, nhiều hạng mục đã xuống cấp nhưng không gian khá rộng và thoáng. Đang chuẩn bị bữa ăn trưa cho gia đình, chị Đặng Thị Thu Huệ - công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam không giấu được niềm vui nói: “17 năm đi làm nhưng với tôi cuộc sống gia đình giờ đây mới thực sự yên ổn khi được về thuê nhà tại đây”.

Căn phòng chị Huệ thuê có diện tích 75 mét vuông với đầy đủ tiện ích nhà vệ sinh, phòng bếp, phòng ngủ, phòng khách với giá thuê từ 1,6 đến 1,7 triệu đồng/tháng (đã bao gồm điện nước). Với mức giá này chị Huệ cho biết, đây là cơ hội lý tưởng không phải công nhân nào cũng thuê được. “Trước kia, vợ chồng tôi phải thuê trọ ở ngoài với giá cũng từ 1 đến 1,2 triệu đồng nhưng đó là căn phòng ẩm thấp, chật hẹp và không có nhà vệ sinh riêng. Con nhỏ không có chỗ để chơi, cuộc sống vô cùng bí bách. Đã trải qua giai đoạn đi ở trọ như thế nên được chuyển vào đây với vợ chồng tôi đúng là giấc mơ. Mua nhà thì rất khó rồi, giờ chỉ mong làm sao được thuê trọ như này đến khi về hưu” - chị Huệ giãi bày.

Đối diện với phòng chị Huệ là căn phòng có diện tích 34m2 của gia đình chị Lý Thu Lựu - công nhân Công ty Ryonmau Edictrick Việt Nam. Căn phòng gồm 1 phòng ngủ, phòng khách, bếp và vệ sinh. Con còn nhỏ nên vợ chồng chị Lựu chỉ đăng ký căn phòng diện tích nhỏ để bớt chi phí thuê nhà. “Căn phòng này em thuê với giá 480 nghìn đồng/tháng cộng thêm điện và nước hàng tháng hết chừng 800 nghìn đồng. Giá này so với thuê ngoài rẻ hơn mà không gian ở rộng rãi hơn rất nhiều. Trong công ty nhiều người có nhu cầu nhưng vì số lượng ít nên không phải ai cũng có cơ hội” - chị Lựu cho biết.

Thuê được nhà giá rẻ nên hàng tháng hai vợ chồng cũng để dành ra được hơn 1 triệu đồng/tháng. Khi hỏi về ý định mua nhà, Lựu cho hay, em chỉ có nguyện vọng được thuê lâu dài căn phòng này, về sau con lớn thì được chuyển sang căn hộ diện tích lớn hơn. Lương 6, 7 triệu mỗi tháng, đủ ăn là mừng lắm rồi không dám mơ mua được 1 căn nhà.

Quê Nghệ An, chị Nguyễn Thị Thanh ra Hà Nội làm công nhân 15 năm. 15 năm làm công nhân chị bảo tài sản có được là 2 đứa con. Gia đình 4 người nhưng chị cũng chỉ dám thuê căn phòng 20m2. Mặt sàn vừa là chỗ học, chỗ sinh hoạt, chỗ nấu ăn, vệ sinh cho cả nhà. Một tum lửng thì dùng để ngủ. Căn phòng chật chội như thế nhưng mỗi tháng chị phải bỏ ra 1,8 triệu đồng tiền thuê phòng. Khi điện, nước chưa tăng thì mỗi tháng chị phải trả từ 500 - 700 nghìn đồng nhưng từ ngày 1/7 tiền điện, nước đều tăng mỗi tháng chị phải trả 1 triệu đồng. Chi phí tăng nhưng lương công nhân của vợ chồng chị vẫn loanh quanh ở mức 7 đến 9 triệu đồng. Để tiết kiệm chi phí chị chỉ còn cách cắt bớt tiền học thêm của con. Trời nóng thi thoảng chị vẫn bật điều hòa cho bọn trẻ khi ngủ nhưng giờ chiếc điều hòa đã được bọc kín. “Nhà nước có chính sách mua NOXH, đây là chính sách rất tốt nhưng tôi nghĩ nên có chính sách để công nhân chúng tôi được thuê nhà với giá rẻ. Thu nhập thấp như chúng tôi được thuê nhà giá rẻ lâu dài đã là may mắn lắm rồi” - chị Thanh đề xuất.

Chị Đặng Thị Thu Huệ được thuê lâu dài căn hộ nhà ở xã hội.

Cần chính sách hỗ trợ xây nhà cho công nhân thuê

Ngày 11/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp đưa ra để thúc đẩy phát triển NOXH là triển khai gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2030. Đây là tin vui với rất nhiều người lao động (NLĐ), công nhân làm công ăn lương, đang phải đi thuê nhà trọ có cơ hội được thuê, thuê mua NOXH với giá ưu đãi để ổn định tâm lý, toàn tâm toàn ý cho công việc lao động sản xuất. Tuy nhiên, thực tế hiện nay với mức lãi suất 8,2%/năm so với thu nhập của NLĐ là rất cao, quá sức chịu đựng của người có thu nhập thấp đô thị, nhất là NLĐ di cư. Bên cạnh đó, thời gian ưu đãi của gói tín dụng đối với người mua nhà chỉ trong 5 năm là quá ngắn và gần như công nhân lao động chưa tiếp cận được nguồn vốn này.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, công nhân đa phần là có thu nhập thấp, lúc nào cũng đau đáu nỗi lo nhà ở, chỗ học cho con thì làm sao có yên tâm làm việc, cải thiện tay nghề được. Nhà ở công nhân là vấn đề cấp thiết và rất nóng.

“Nếu đúng như kế hoạch dự kiến thì ít nhất một căn NOXH cũng có giá từ 500 đến 700 triệu đồng/căn, tùy vùng, tùy địa phương. Với số tiền này và lãi suất hỗ trợ như hiện nay tôi chắc chắn là rất khó khăn với NLĐ. Vì vậy, bên cạnh chính sách xây NOXH để bán, Nhà nước cần có quỹ đất riêng để xây nhà cho công nhân thuê” - bà An nói.

Còn theo bà Nguyễn Thị Tám - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, cuộc sống của công nhân rất khó khăn do đó để sở hữu NOXH dù hỗ trợ lãi suất thấp cũng rất khó. Bà Tám cho biết, để đảm bảo cuộc sống cho công nhân, hàng năm huyện đã có chỉ đạo các xã tiến hành rà soát những phòng trọ nào đáp ứng tiêu chuẩn, với những phòng trọ không đáp ứng yêu cầu đóng cửa. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động người dân đến thuê trọ những nơi đáp ứng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, kế hoạch này dường như không thể thực hiện được bởi thu nhập NLĐ quá thấp, họ không thể thuê trọ ở những nơi giá cao được.

“Chứng kiến cảnh gia đình công nhân sống trong phòng trọ chật chội, ẩm thấp nhưng chúng tôi cũng không thể làm gì hơn. Hàng tháng thu nhập chỉ vỏn vẹn từ 6 đến 7 triệu đồng công nhân không thể bỏ ra gần 2 triệu đồng để thuê nhà được, đa phần mọi người chấp nhận thuê trọ trong những căn phòng giá rẻ” - bà Tám cho biết và đề xuất cần nhiều hơn chính sách để xây dựng những khu nhà trọ để cho công nhân, NLĐ thuê. Cần có chính sách hỗ trợ về vốn, lãi suất khuyến khích những cá nhân, hộ gia đình khi xây nhà trọ cho công nhân thuê. Những hộ dân được hưởng chính sách ưu đãi về vốn, lãi suất sẽ xây dựng những căn phòng trọ cho thuê đáp ứng tiêu chí tối thiểu về sinh hoạt cho công nhân với mức giá phù hợp. Hiện nguồn của ngân hàng chính sách vận dụng từ quỹ việc làm hỗ trợ cho chủ hộ xây nhà nguồn không nhiều chỉ hơn 100 triệu đồng, không đủ đáp ứng với nhu cầu.

Đề cập đến vấn đề này, ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng quyền có chỗ ở an toàn, tốt hơn luôn là nhu cầu chính đáng của mọi tầng lớp trong xã hội. Trong lúc đợi xây dựng NOXH đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở thì trước mắt cần cải thiện chỗ ở, chất lượng nhà ở cho NLĐ hiện đang đi thuê trọ trong các khu dân cư.

Theo ông Tiến, hiện có khoảng 70 - 80% công nhân chỉ có nhu cầu thuê, không có nhu cầu mua, bởi khả năng tài chính hạn chế và không có mong muốn ở lại địa phương đó lâu dài. Tại nhiều doanh nghiệp (DN), tỷ lệ ra vào của công nhân có thể lên tới 15 - 20%/năm. Như vậy, lượng công nhân làm việc tại các khu công nghiệp có nhiều biến động mỗi năm, nên trước mắt cần phát triển nhiều hơn nhà ở công nhân để cho thuê.

“Nhà nước cần có cơ chế cho phép DN đông công nhân, lao động được phép thuê các dự án nhà ở công nhân để cho chính công nhân, lao động tại DN mình ở thì sẽ đáp ứng tốt cho nhu cầu của cả NLĐ và DN. Bên cạnh đó, cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm y tế, văn hóa… bảo đảm an ninh ở những nơi công nhân thuê trọ. Cùng với đó, cần hỗ trợ vay tài chính cho những hộ dân gần các khu công nghiệp xây dựng, cung cấp dịch vụ nhà thuê cho NLĐ thuê; giảm giá điện, nước, vệ sinh môi trường, thuế, để chất lượng cuộc sống của người lao động được cải thiện” - ông Tiến nói.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới nêu rõ định hướng phát triển và mở rộng các loại hình nhà ở, đẩy mạnh phát triển NOXH, nhà ở cho thuê, nhà ở giá rẻ, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, Nhà nước tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường cho các đối tượng chính sách xã hội. Về vấn đề này, các chuyên gia cũng góp ý NOXH phải được điều chỉnh theo hướng tăng nguồn cho thuê, nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước được phân chia phù hợp cho cả ba bên là chủ đầu tư, cơ quan quản lý vận hành và người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiện thực hóa giấc mơ thuê nhà giá rẻ