Ai cũng mong muốn mình hiểu biết nhiều, càng hiểu biết nhiều cuộc sống càng dễ chịu, vui tươi, hạnh phúc. Những ai ít hiểu biết sẽ có một cuộc sống chật vật, gian khổ, vất vả (Hard life), ít khi thấy có nụ cười.
Vậy “hiểu biết” là gì?
Theo “Từ điển tiếng Việt”: “Hiểu là: 1/ Nhận ra ý nghĩa, bản chất, lý lẽ của cái gì bằng sự vận dụng trí tuệ. Thí dụ: Hiểu vấn đề, hiểu câu thơ. Đọc thuộc nhưng không hiểu. 2/ Biết được ý nghĩa, tình cảm, quan điểm của người khác. Thí dụ: Tôi rất hiểu anh ấy. Một con người khó hiểu. Hiểu biết là: 1/ Biết rõ, hiểu thấu. Thí dụ: Hiểu biết khá đầy đủ về tình hình. Những hiểu biết cơ bản. 2/ Biết và có thái độ cảm thông với người khác. Thí dụ: Thái độ hiểu biết lẫn nhau. Hiểu biết về bạn bè còn nông cạn”.
Nhà triết học vĩ đại người Anh, ông Francis Bacon (1561 - 1626) đã khẳng định về việc muốn hiểu biết nhiều phải học tập gian khổ, càng học nhiều càng tốt, vì không được học thì nguy, thì ngu dốt suốt đời. Ông đã để lại một thành ngữ để đời cho con người: “Không có gì làm cho con người nghi ngờ nhiều bằng ít kiến thức”.
Mãi mãi biết ơn Francis Bacon vì đã cho chúng ta cái chìa khóa để tìm đến hạnh phúc con người. Chiếc chìa khóa vạn năng ấy là sự học. Một triết gia đã dạy: “Chúng ta phải học thầy, học bạn, học nhân dân”.
Nhờ có các thầy, các cô giúp ta từ lớp mẫu giáo, qua tiểu học, rồi qua trung học, đại học con người mới từ từ hiểu ra rằng cá nhân mình rất nhỏ bé, phải suốt đời học hỏi, trau dồi kiến thức, phát triển trí tuệ để có hiểu biết. Không có sự hiểu biết sẽ làm con người nảy sinh nghi ngờ. Nghi ngờ là một bệnh nặng đeo bám ta.
Lúc nhỏ, lúc nào cậu học sinh cũng cảm thấy mình học kém, đuối sức hơn các bạn nên cậu nghi ngờ cái học lực không thể khá hơn được của mình. Càng lên lớp trên, do mất kiến thức cơ bản làm cậu đã đuối lại càng đuối. Nếu thầy cô và cha mẹ sớm phát hiện ra, họ bình tĩnh uốn nắn và hướng dẫn cậu đọc thêm sách báo, biết noi gương bao bạn học con nhà nghèo còn khó khăn hơn mình mà vẫn học giỏi sẽ giúp cậu học chăm chỉ hơn, không còn tự nghi ngờ là mình quá yếu kém nữa và cậu sẽ quyết tâm vươn lên để trở thành một học sinh khá hơn, giỏi hơn.
Khi đã đi làm ở nhà máy, xí nghiệp hay cơ quan khoa học, người trí thức trẻ vẫn phải tiếp tục học, học nữa, học mãi. Để làm gì? Để xóa hết mọi nghi ngờ mà người cử nhân trẻ tuổi còn băn khoăn, còn lưỡng lự, chưa dám mạnh dạn vươn lên. Ông Francis Bacon đã giúp những người trí thức trẻ này một phương pháp rất hữu hiệu, đó là phải hiểu biết hơn nữa, phải tích lũy nhiều kiến thức, nhiều kinh nghiệm trong công việc hơn nữa, đây là cách duy nhất để con người tự khẳng định mình và dám vươn xa, dám vươn cao hơn nữa.
Xóa được mặc cảm tự ti, xóa được sự nghi ngờ cho là mình không thể tiến bộ được là bài tập khó nhất, lớn nhất đối với mọi người. Đây chính là cái lõi, cái cơ bản trong nhận thức về hiểu mình và hiểu người. Một triết gia từng nói: “Thắng được người khác đã là giỏi, nhưng thắng được chính mình mới thực sự ưu tú”. Diễn đạt theo một cách nhìn khác là: Hiểu được người khác đã là giỏi, nhưng hiểu rõ được chính mình mới thực sự là hiểu biết. Nhà triết học cổ đại Socrate đã yêu cầu: “Anh phải tự hiểu về anh đi đã”. Vì nếu không tự hiểu được mình thì làm gì còn khả năng để hiểu được người khác. Ngạn ngữ Ả rập cổ đại cũng đã khẳng định: “Người tự hiểu được chính mình là người khôn ngoan. Hãy học theo anh ta”.
Có tác giả đã nêu ra hẳn công thức: Hiểu biết = Hiểu mình + Hiểu người.
Đi sâu thêm vào việc tự học hỏi, tích lũy kiến thức, sắp xếp kiến thức một cách khoa học để có được “vũ khí Hiểu biết” mà vận dụng trong cuộc sống, nên nhớ đến hai nguyên tắc: 1/ Phải hiểu biết chắc chắn, tinh tường, không ôm đồm, tham lam mà hóa ra không biết gì cả. 2/ Phải thành thực với chính mình, sống lương thiện: Biết thì nói biết, không biết thì nói không biết.
Để nắm vững hai nguyên tắc nền đã nêu ở trên để xây dựng “Hiểu biết”, cần dẫn chứng đến hai nhà triết học lớn: Nietzsche và Khổng Tử.
Nói về nguyên tắc thứ nhất, nếu học cốt lấy bằng cấp, qua được kỳ thi, qua được kỳ sát hạch nhưng đến khi đi làm thực tế thì thất bại. Vì sao? Vì cái gì cũng hiểu đại khái, qua loa, không lật đi lật lại vấn đề nên gặp một chút khó khăn, trục trặc đành bó tay, đành thất bại. Vì thế triết gia vĩ đại người Đức, Friedrich Nietzsche (1844 - 1900) đã căn dặn tỉ mỉ: “Thà không biết gì còn hơn biết nhiều thứ một cách nửa vời”. Đây là kim chỉ nam soi thấu trong quá trình chúng ta đào tạo các chuyên gia thuộc các chuyên khoa khác nhau. Có một thời, khi kỹ thuật mổ nội soi mới phát triển ở các bệnh viện lớn, các tỉnh lập tức gửi các bác sỹ trẻ về học mổ nội soi. Do chưa thông thạo mổ mở theo lối kinh điển, có bác sỹ khi mổ nội soi cho bệnh nhân gây chảy máu trong đã loay hoay không biết cách nào để cầm máu kịp thời cho người bệnh. Từ đó, trong chương trình đào tạo mổ nội soi đã phải bổ sung nguyên tắc dạy mổ rộng, mổ phanh theo kinh điển đã, rồi mới dạy kỹ thuật mổ nội soi. Một thí dụ khác là khi đi sâu vào các kỹ thuật về thủy lợi, về tưới tiêu đồng ruộng, các chuyên gia giỏi thường phải đi từ các kỹ thuật cơ bản, từ thấp đến cao mới hoàn thành tốt các công việc được. Trong giáo dục hiện đại, khi du nhập nhiều kỹ thuật mới vào việc dạy và học như: Phát triển công nghệ thông tin, dạy và học online ... cũng đã xẩy ra nhiều chuyện dở khóc dở cười vì nhiều chuyên gia được đào tạo không đến nơi đến chốn theo kiểu “nửa trăng nửa đèn”.
Tất cả các thí dụ vừa nêu trên một lần nữa nhắc nhở con người phải chăm chỉ học tập, lý thuyết phải đi đôi với thực hành, nên một người nông dân, một người công nhân, một người thợ giỏi, tháo vát còn quý hơn một ông Tiến sĩ, Thạc sĩ “giấy”, chỉ biết lý thuyết suông, không có thực tế nên chả giải quyết được việc gì.
Về nguyên tắc thứ hai, nhà triết học cổ đại Khổng Tử (khoảng 500 năm trước Công nguyên) đã từng dạy: “Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, vậy mới thật là biết”. Nguyên tắc vĩ đại này của Khổng Tử đã soi chiếu hàng ngàn năm nay, là ánh sáng tuyệt vời để dạy bảo con người phải sống trung thực, thiện lương, tu tâm, dưỡng tính thì mới thấm thía được sự hiểu biết.
Trong tích lũy kiến thức, trong giáo dục, trong trau dồi sự hiểu biết thì tuyệt đối không được nói dối, không được sĩ diện hão, không được bất lương mà nhận bừa những gì mình không biết mà dám nhận là biết. Trên thực tế, nhiều hậu quả đã xẩy ra khi không chấp hành lời dạy bảo này của Khổng Tử như: bác sĩ dốt vẫn nhận mổ làm chết người, kỹ sư dốt thiết kế làm vỡ cả một đập thủy lợi gây lụt lội cho cả một vùng dân cư, thầy lang dốt bốc nhầm thuốc gây tử vong cho người bệnh.
Để khép lại bài viết về kỹ năng hiểu biết, tưởng không gì dễ thực hiện cho bằng, lúc nào ta cũng phải sống lương thiện, khiêm tốn, học hỏi dần dần sẽ có kết quả tốt. Đúng như Blaise Pascal (1623 - 1662) đã dạy: “Bất cứ người nào ta gặp trong cuộc đời cũng có những điều tốt mà ta có thể học hỏi được từ người đó”.