Giáo dục

Hiểu đúng để định hướng đúng

Hàn Minh 11/03/2024 10:10

Làm sao để hiểu rõ mình, hiểu về những ngành nghề mình quan tâm, từ đó lựa chọn đúng, trúng ngành học có thể gắn bó lâu dài là vấn đề đặt ra đối với các thí sinh đang chuẩn bị tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT).

anhbaitren(3).jpg
Thí sinh tìm hiểu thông tin tại Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp 2024. Ảnh: Lý Nguyên.

Đi tìm đam mê

Trong lễ trao bằng tốt nghiệp năm 2023 của Trường Đại học (ĐH) Sư phạm TPHCM, Nguyễn Hoàng Gia Khánh gây ấn tượng khi trở thành thủ khoa kép cả đầu vào và đầu ra của trường.

Câu chuyện phía sau tấm bằng này của Khánh càng khiến nhiều người ngạc nhiên hơn. Năm 2015, Khánh tham dự kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức lần đầu tiên và là thí sinh có tổng điểm 6 môn thi cao nhất cả nước với 53,75 điểm. Em trúng tuyển Trường ĐH Sư phạm TPHCM ngành Sư phạm Hóa và ĐH Y - Dược TPHCM ngành bác sĩ đa khoa. Sau đó, em đã chọn theo học ngành Bác sỹ đa khoa. Gần hết năm thứ 3, Khánh nhận thấy bản thân chưa thực sự phù hợp với ngành học dù điểm trung bình chung học tập đều ở mức khá giỏi, nên đã xin bảo lưu kết quả học tập ở nhà 1 năm ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi THPT năm 2019 để chọn lại ngành Sư phạm.

Trịnh Hải Sơn, thủ khoa đầu ra năm 2023 của trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội cũng có một câu chuyện tương tự khi từ bỏ ngành Công nghệ thông tin của ĐH Bách khoa Hà Nội sau hơn 3 năm học ở đây. Lý do là vì Sơn phát hiện ra đam mê thực sự của mình là khám phá thế giới tự nhiên, mong muốn được dùng những thuật toán, những phương trình cơ bản để khám phá tự nhiên, thế giới xung quanh. Sau nhiều đấu tranh, thuyết phục gia đình, Sơn đã thi lại và học ngành Vật lý để được làm những điều bản thân thực sự yêu thích.

Còn rất nhiều câu chuyện nữa liên quan đến việc chọn ngành nghề nhưng không ai hoàn toàn giống nhau. Mỗi thí sinh cần có định hướng của riêng mình từ việc nghiêm túc tìm hiểu về sở trường, sở thích, năng lực của bản thân đến việc tham khảo ý kiến của người đi trước gồm người thân, bạn bè, các chuyên gia tuyển sinh, những người đang trực tiếp làm những công việc liên quan đến ngành nghề các em dự kiến lựa chọn. Tìm hiểu từ đề án tuyển sinh của trường, trao đổi trực tiếp những băn khoăn chưa rõ với cán bộ tuyển sinh qua các kênh tư vấn của nhà trường như hotline, các trang fanpage, từ các nguồn thông tin uy tín trên mạng và các nguồn khác…

Không nên chọn ngành học theo xu thế đám đông, theo sức nóng nhất thời của xã hội mà thiếu tìm hiểu về sự phù hợp của ngành học với bản thân. Bởi điều này dễ khiến người học bị động trong quá trình học cũng như cơ hội tìm việc làm. Trong khi đó, cơ hội chọn việc làm theo năng lực, sở trường và niềm đam mê luôn đem đến cho mỗi người sự chủ động, sáng tạo để từng bước gặt hái thành công trong tương lai.

Đồng hành cùng thí sinh

Từ kinh nghiệm tuyển sinh nhiều năm, GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng, trong quyết định chọn ngành, chọn trường, phụ huynh nên là người đồng hành chứ không làm thay thí sinh, không quyết định giùm thí sinh. Thực tế có những học sinh bị cha mẹ bắt phải học ngành mà các em không yêu thích, không đam mê nên học một thời gian đã chán nản, thậm chí có em bỏ học…

“Hiện nay, các con thông minh hơn phụ huynh nghĩ, nên cha mẹ hãy lắng lòng lại để hiểu con em mình hơn, đặc biệt là đặt vào vị trí của con để giảm thiểu sự xung đột, sự khác biệt giữa mình và con cái trong suy nghĩ, trong lựa chọn và trong định hướng giá trị nghề nghiệp” - ông Sơn chia sẻ.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp cho học sinh, TS Phạm Văn Tư - Phó trưởng khoa Công tác xã hội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, đây là một trong những việc quan trọng nhất để đánh giá bước chuyển mình trong cuộc đời của một con người khi các em đến độ tuổi THPT và đặc biệt là học sinh khối 12. Việc chuẩn bị cho các kỳ thi và lên kế hoạch lựa chọn các ngành của trường ĐH, cao đẳng để đúng với sở thích, nguyện vọng sẽ làm gia tăng cơ hội hoàn thành mục tiêu của thí sinh.

Chia sẻ tại chương trình tư vấn hướng nghiệp tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, TS Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm nay quy trình, phương thức, hình thức xét tuyển đại học cơ bản giữ ổn định như năm 2023 theo quy chế hiện hành. Tuy nhiên mỗi cơ sở giáo dục ĐH, cao đẳng lại có phương án xét tuyển riêng nên thí sinh cần nghiên cứu kỹ quy chế tuyển sinh, đề án tuyển sinh ở những trường mình đang tìm hiểu để nắm rõ các quy định.

Đối với những thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm cần lưu ý về việc phải đăng ký các nguyện vọng trúng tuyển sớm này lên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian đăng ký xét tuyển. Nếu bỏ sót bước này, kết quả trúng tuyển sớm của các thí sinh sẽ không có hiệu lực. Ngoài ra, các nguyện vọng khi đăng ký xét tuyển cần được sắp xếp theo thứ tự từ 1 đến hết, trong đó nguyện vọng đầu tiên là nguyện vọng có ưu tiên cao nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiểu đúng để định hướng đúng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO