Là bệnh không lây từ người qua người, đã xuất hiện từ lâu và không thường gặp, thế nhưng căn bệnh Whitmore lại khó chẩn đoán, khó điều trị dẫn đến tỷ lệ tử vong cao. Bên cạnh đó, căn bệnh này có biểu hiện gây loét hoại tử nên bị gọi là “vi khuẩn ăn thịt người” khiến cho không ít người dân hoang mang, lo lắng.
Gần đây nhất, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận trường hợp cháu bé N.T.V. (sinh năm 2013, trú tại xã Ia Lốp, huyện Ea Súp) mắc bệnh Whitmore. Mẹ bệnh nhân cho hay, cháu V. khởi phát bệnh cách ngày nhập viện khoảng 10 ngày với triệu chứng sốt cao, kèm sưng, đau vùng mang tai 2 bên. Gia đình đã đưa V. đi khám tại phòng khám tư nhân, uống thuốc 3 ngày nhưng không giảm. Người nhà đưa cháu tới khám tại Bệnh viện đa khoa Vùng Tây Nguyên và nhập viện trong tình trạng sốt 39 độ C; tuyến mang tai 2 bên sưng to, cứng chắc không di động; góc hàm có điểm ấn mềm hóa mủ, đau nhiều, há miệng hạn chế...
Quá trình điều trị, bệnh nhi sốt cao liên tục, áp xe tuyến mang tai 2 bên đã rạch, rỉ mủ máu, đi cầu lỏng 5 lần/ngày. Ở thời điểm hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và có thể xuất viện trong những ngày tới.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền nhiễm TPHCM nhận định: Bệnh Whitmore không lây từ người qua người mà vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở trên cơ thể nên không có khả năng bùng phát thành dịch. Đồng thời, bệnh Whitmore có thể phòng ngừa hiệu quả bằng những biện pháp đơn giản như mang găng tay, mang ủng bảo vệ chân khi tiếp xúc với đất hay nước không sạch; rửa sạch tay chân bằng xà phòng dưới vòi nước sạch ngay khi tiếp xúc với nước hoặc đất không sạch.
Theo các bác sĩ điều trị đánh giá, điều trị thành công cho bệnh nhi nói trên là niềm vui không nhỏ bởi lẽ cháu mắc Whitmore với các biến chứng nặng. Trong khi đó, đây lại là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm.
PGS. TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.
Lý giải về nguyên nhân khiến Whitmore được cảnh báo là căn bệnh nguy hiểm, PGS. TS Đỗ Duy Cường cho hay, căn bệnh này có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, những người có cơ địa mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, nghiện rượu, xơ gan, bệnh thận, bệnh phổi mạn tính dễ có nguy cơ mắc bệnh. Ở người lớn, bệnh cảnh lâm sàng khá phức tạp, thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác dẫn tới việc khó phát hiện, khó chẩn đoán bệnh
“Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nhiều trường hợp dẫn đến sốc nhiễm trùng và tử vong. Nhiều trường hợp tử vong thường do bệnh ở giai đoạn muộn, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng. Bên cạnh đó, việc theo dõi điều trị bệnh kéo dài, lại tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc” - bác sĩ Cường chia sẻ.
Đồng quan điểm, bác sĩ Đặng Thị Thúy - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cũng nhận định, điều tạo nên sự nguy hiểm của bệnh Whitmore là do nó không có triệu chứng điển hình, dễ nhầm với các bệnh nhiễm trùng khác, đặc biệt là giai đoạn đầu. “Lấy ví dụ, đối với trẻ em, ở thể nhẹ, bệnh nhân chỉ sốt hoặc viêm tuyến nước bọt mang tai, đây là triệu chứng thường gặp ở ca bệnh trẻ em và rất dễ bị nhầm với quai bị. Một số trường hợp lại chỉ xuất hiện viêm da và người dân thường chủ quan nghĩ là nhiễm trùng đơn giản nên không đi điều trị, hoặc tự đắp thuốc nam. Trong trường hợp bị bỏ sót hoặc điều trị nhầm theo hướng nhiễm trùng thông thường, bệnh có thể tiến triển kéo dài, dai dẳng và gây ra các biến chứng nặng nề, thậm chí là tử vong” - bác sĩ Thúy cho hay.
Đáng nói, theo các chuyên gia y tế, hiện đang là thời điểm Whitmore chuẩn bị “vào mùa”. Bác sĩ Đỗ Văn Đông - Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay: “Bệnh Whitmore thường gặp ở các nước Đông Nam Á, Bắc Úc, Nam Á và Trung Quốc. Tại Việt Nam, ca bệnh đầu tiên được ghi nhận năm 1925. Bệnh xuất hiện rải rác tại các địa phương trong cả nước, hay xảy ra vào mùa mưa từ tháng 7-11 và có xu hướng gia tăng trong vài năm trở lại đây”.
Mặc dù nguy hiểm, khó phát hiện và tỷ lệ tử vong cao, thế nhưng các chuyên gia y tế cũng cho rằng, người dân không nên quá hoang mang trước Whitmore. Theo bác sĩ Đặng Thị Thúy, Whitmore không phải là bệnh “vô phương cứu chữa” như nhiều người đồn đoán. Trên thực tế, mặc dù chưa có vaccine phòng bệnh, nhưng Whitmore lại có kháng sinh điều trị đặc hiệu. Thậm chí, thuốc điều trị còn phổ biến ở gần như tất cả các tuyến y tế. Chỉ cần phát hiện và điều trị kịp thời là sẽ khỏi hẳn.