Đại hội đại biểu MTTQ tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2024 - 2029) diễn ra trong 2 ngày (3 và 4/7). Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng có cuộc trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết trước thềm đại hội.
PV: Thưa ông, thời gian qua, công tác chuẩn bị đại hội được MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang thực hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Tiếc Hùng: Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2024 – 2029 là một sự kiện chính trị quan trọng nhằm kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội, đồng thời đề ra chương trình hành động nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh ban hành Kế hoạch số 315 ngày 12/10/2023; Kế hoạch số 314 ngày 10/10/2023 về tổ chức đợt sinh hoạt chính trị; tuyên truyền và phát động thi đua chào mừng đại hội MTTQ các cấp trong tỉnh, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
MTTQ cấp huyện và xã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức tuyên truyền và đăng ký công trình, phần việc để chào mừng đại hội MTTQ các cấp trong tỉnh. Đối với cấp tỉnh đã đăng ký 2 công trình: Đã khởi công xây dựng 1 cầu nông thôn trị giá 1 tỷ đồng, vận động cất mới 500 căn nhà trị giá 25 tỷ đồng (đã hoàn thành). Đối với cấp huyện đã đăng ký 24 công trình, phần việc, tổng giá trị thành tiền là trên 60,76 tỷ đồng để xây dựng 15 cây cầu nông thôn, cất mới 238 căn nhà Đại đoàn kết, vận động mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; bê tông hóa đường nông thôn… Đối với cấp xã đã thực hiện 146 công trình, phần việc chào mừng đại hội với tổng trị giá trên 43,9 tỷ đồng.
Để tổ chức thành công đại hội MTTQ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XI, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị triển khai và chọn xã Tân Trung (huyện Phú Tân) và phường Mỹ Phước (TP Long Xuyên) để tổ chức đại hội điểm cấp xã và thống nhất giao cho Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố, mỗi đơn vị chọn 1 xã để đại hội điểm cấp xã, sau đó rút kinh nghiệm để nhân rộng đại hội các xã trong huyện. Đến ngày 26/4, toàn tỉnh đã hoàn thành đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam cấp xã ở 156/156 xã, phường, thị trấn. Đến cuối tháng 5, hoàn thành đại hội MTTQ cấp huyện.
Nhìn lại nhiệm kỳ qua, MTTQ tỉnh An Giang đã đạt được những kết quả nổi bật gì thưa ông?
- Nhiệm kỳ qua, dưới sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn sâu sát của UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang; sự phối hợp chặt chẽ của UBND và các ngành có liên quan trong tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh An Giang đã thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ chính trị; không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, linh hoạt trong cách làm. Việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc được chú trọng, thống nhất vì mục tiêu chung là góp phần xây dựng và phát triển quê hương An Giang ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Nổi bật là từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã vận động quỹ “Vì người nghèo” được trên 1.216 tỷ đồng (so với chỉ tiêu Nghị quyết là 500 tỷ đồng) để hỗ trợ xây dựng hơn 10.000 căn nhà Đại đoàn kết; tặng quà Tết, hỗ trợ sản xuất, học tập, mua bảo hiểm y tế, chữa bệnh... cho trên 120.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trị giá trên 1.207 tỷ đồng. Từ đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 14.170 hộ nghèo (cuối năm 2019) xuống còn 10.913 hộ nghèo (cuối năm 2023). Đồng thời, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã chủ trì các hoạt động cứu trợ, trực tiếp vận động và phân bổ trên 9 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân khắc phục hậu quả do ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn, giông lốc, sạt lở bờ sông, hỏa hoạn và hỗ trợ đồng bào một số tỉnh miền Trung bị thiệt hại do bão lũ gây ra.
Công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm sóc người có công với cách mạng được MTTQ các cấp phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp quan tâm thực hiện. Trong nhiệm kỳ tổ chức thăm, viếng và tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, người có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh - Liệt sĩ tổng trị giá trên 190 tỷ đồng…
Có thể thấy, công tác chăm lo cho người nghèo là một trong những hoạt động nổi bật của MTTQ tỉnh An Giang trong nhiệm kỳ qua. Nhiệm kỳ mới, MTTQ tỉnh đưa ra những chỉ tiêu nào cho công tác này, thưa ông?
- Nhiệm kỳ tới, MTTQ tỉnh An Giang phấn đấu, hàng năm, tổ chức vận động, quyên góp nguồn lực ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đạt 200 tỷ đồng (bao gồm tiền mặt và hiện vật quy tiền). Phấn đấu trong nhiệm kỳ, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh hỗ trợ xây dựng mới ít nhất 7.500 căn nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương. Phấn đấu, 100% hộ nghèo, cận nghèo được Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ hoặc Tết và hỗ trợ, giúp đỡ khi gặp khó khăn đột xuất. Phấn đấu đến cuối năm 2025 hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh theo phát động thi đua của Thủ tướng Chính phủ và Lời kêu gọi của UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn ông!