Phát triển mậu dịch biên giới gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng (ANQP) được huyện Mèo Vạc (Hà Giang) xác định là “chiến lược”. Bằng việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế cửa khẩu với củng cố ANQP và phát triển nguồn nhân lực; quy hoạch, xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, Mèo Vạc đang lấy hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, ổn định an ninh chính trị, đảm bảo quốc phòng là tiêu chí hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế biên mậu.
Mèo Vạc là huyện duy nhất trong tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc); huyện có 3 xã biên giới gồm: Thượng Phùng, Xín Cái và Sơn Vĩ; thời gian qua, hệ thống cơ sở hạ tầng vùng biên giới được huyện quan tâm đầu tư, phát triển; các xã có đường nhựa đến trung tâm; các chương trình phát triển kinh tế - xã hội được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở chủ động, tích cực triển khai hiệu quả
Công tác quy hoạch, nâng cấp trung tâm xã Sơn Vĩ thành thị tứ gắn với phát triển kinh tế cửa khẩu được đẩy mạnh; cặp cửa khẩu Săm Pun - Điền Bồng được UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch với chức năng là cửa khẩu song phương… Những lợi thế đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho Mèo Vạc phát triển kinh tế biên mậu.
Theo đó, tỉnh và huyện đã triển khai xây dựng kè chống sạt, lở đường biên giới; nâng cấp, trải nhựa tuyến đường ngã 3 Lùng Thúng – UBND xã Thượng Phùng – Mốc 456; tổ chức đấu nối đường qua Mốc 456 và Mốc 476, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thăm thân, mua bán, trao đổi hàng hóa. Vì vậy hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cặp cửa khẩu Săm Pun – Điền Bồng có sự tăng trưởng đột biến. Thời gian qua giá trị ước đạt trên 126,9 triệu USD; lưu lượng người tham gia họp chợ dao động từ 300 –350 người/phiên chợ; tổng giá trị hàng hóa trao đổi cư dân biên giới ước đạt trên 6 tỷ đồng.
Để tạo dựng nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế biên mậu gắn với đảm bảo ANQP, Mèo Vạc đã chú trọng công tác đối ngoại, phối hợp quản lý tốt đường biên, mốc giới, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới. Mặt khác, huyện triển khai đồng bộ chương trình phát triển KT – XH các xã vùng biên giới, phát huy tiềm năng thế mạnh trong trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng các mô hình phát triển sản xuất; đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc, trồng cây công nghiệp ngắn ngày, trồng rừng gắn với phát triển thương mại, dịch vụ…
Với mục tiêu hiện thực hóa các chỉ tiêu trong Nghị quyết Đảng bộ huyện về chiến lược phát triển kinh tế biên mậu, huyện Mèo Vạc đang phấn đấu đến năm 2020, giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu đạt trên 250 triệu USD; 100% các thôn của các xã biên giới có điện lưới Quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm trên 6%...