Mặt trận

Hiệu quả từ giám sát người đứng đầu

Phương Thanh 28/05/2024 08:01

Hải Phòng là một trong số địa phương trên cả nước triển khai công tác giám sát người đứng đầu. Sau 2 năm triển khai, hoạt động trên đã tạo sự chuyển biến trong đội ngũ cán bộ, công chức về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức.

bai-chinh.jpeg
Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hải Phòng Cao Xuân Liên công bố dự thảo kết luận giám sát đối với Bí thư Quận ủy Dương Kinh vào tháng 3/2024. Ảnh: P. Thanh.

Năm 2022, MTTQ TP Hải Phòng bắt đầu xây dựng kế hoạch và triển khai việc giám sát người đứng đầu. Ban đầu, nhiều ý kiến người dân, thậm chí cả người được giám sát còn băn khoăn về vai trò, hiệu quả của hoạt động này. Những người đứng đầu, hầu hết là người có vị thế, tầm ảnh hưởng lớn tại địa phương, đơn vị công tác. Do đó, nhiều người đặt câu hỏi liệu rằng sau quá trình giám sát, MTTQ có đưa ra được kết luận khách quan, minh bạch?

Qua 2 năm triển khai, MTTQ TP Hải Phòng đã tiến hành giám sát 10 người đứng đầu là giám đốc sở, ngành; chủ tịch, bí thư quận, huyện; tổng biên tập cơ quan báo chí tại Hải Phòng. Hoạt động giám sát tập trung vào các nội dung: Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; Việc thực hiện trách nhiệm người đứng đầu; Việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên đang công tác ở nơi cư trú quy định tại Điều 2 Quy định 213 ngày 2/1/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII).

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hải Phòng Cao Xuân Liên, khác với hoạt động giám sát thông thường chỉ gồm 2 bước, giám sát người đứng đầu được chia thành gần 10 bước cụ thể, chi tiết. Trước tiên, bước quan trọng nhất là lựa chọn đối tượng được giám sát với nguyên tắc, tiêu chí cụ thể. Người đứng đầu được lựa chọn giám sát là cán bộ lãnh đạo diện từ Ủy viên Thành ủy trở xuống do Thành ủy quản lý, có thời gian giữ chức vụ đến thời điểm giám sát trên một nửa nhiệm kỳ. Người được giám sát trong năm không nằm trong kế hoạch giám sát của cấp ủy về nội dung trùng với nội dung giám sát của MTTQ. Đối với người đứng đầu sở, ngành ưu tiên chọn đơn vị, lĩnh vực có ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến nhiều người dân.

Để việc triển khai giám sát người đứng đầu được chặt chẽ, đúng quy trình, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hải Phòng đã tổ chức hội nghị thống nhất với các tổ chức chính trị - xã hội thành phố về Chương trình giám sát người đứng đầu; trao đổi, thống nhất với Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND thành phố.

Khách quan, minh bạch, MTTQ TP Hải Phòng mời đại diện lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ban Tổ chức Thành ủy, Ban Nội chính Thành ủy, Ban Dân vận Thành ủy, Thanh tra thành phố, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn lao động thành phố, Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật MTTQ thành phố tham gia Đoàn giám sát. Do đó, kết luận của Đoàn giám sát trở thành kết luận của liên cơ quan, trong đó, MTTQ giữ vai trò chủ trì.

Để đánh giá toàn diện về người đứng đầu, MTTQ TP Hải Phòng tiến hành đồng thời việc giám sát thường xuyên ở nơi công tác, nơi cư trú và giám sát thông qua thông tin, báo cáo, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân, đoàn viên, hội viên nhân dân, dư luận xã hội, cơ quan thông tin truyền thông đại chúng.

Tại nơi cư trú, MTTQ thành phố giao Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ cấp xã chủ trì, chỉ đạo Ban công tác Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, tổ dân phố phối hợp chi ủy giám sát thông qua quá trình tìm hiểu, giao tiếp, phản ánh của nhân dân, người uy tín trong cộng đồng. Tại nơi công tác, MTTQ TP Hải Phòng tập trung vào nội dung tiếp công dân và thực hiện quy chế làm việc của cá nhân được giám sát.

Khi cần thiết, Đoàn giám sát có thể làm việc với Thường trực Quận ủy, Huyện ủy (hoặc Ban Thường vụ); tập thể lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của đơn vị và cá nhân người được giám sát trước khi ban hành báo cáo kết quả giám sát và kiến nghị sau giám sát.

Ngoài việc triển khai đồng bộ các hình thức, có sự phối hợp chặt chẽ của tổ chức, cá nhân liên quan; đảm bảo dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch, cái khó của việc giám sát người đứng đầu là phải triển khai hết sức thận trọng. Việc giám sát không làm cản trở đến công việc của cá nhân, gia đình người được giám sát; chắt lọc thông tin tiếp nhận từ các nguồn thu thập để đưa ra nhận định, kết luận chính xác nhất.

Ông Bùi Văn Kiệm - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hải Phòng cho biết: “Qua giám sát, cá nhân tôi được đánh giá điều hành hoạt động của ngành giáo dục đảm bảo nguyên tắc dân chủ. Đây chính là sự ghi nhận, là nguồn động viên to lớn để tôi nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới".

Sau 2 năm tiến hành, MTTQ TP Hải Phòng đã kết luận 1 trường hợp cán bộ còn hạn chế trong lãnh đạo cũng như tu dưỡng, rèn luyện đạo đức. Từ các kiến nghị của MTTQ, Thành ủy Hải Phòng đã tiến hành luân chuyển vị trí của cán bộ này. Đây được xem là hiệu quả bước đầu, phát huy vai trò của Mặt trận, các tổ chức thành viên và nhân dân trong giám sát người đứng đầu, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Theo ông Cao Xuân Liên - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hải Phòng, bằng tinh thần xây dựng, trách nhiệm, hoạt động giám sát người đứng đầu đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong đội ngũ cán bộ, công chức về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cũng như việc thực hiện trách nhiệm người đứng đầu tại Hải Phòng.

Sau khi lựa chọn được đối tượng giám sát, MTTQ TP Hải Phòng tiến hành các bước giám sát người đứng đầu, gồm: Xây dựng kế hoạch; Công bố quyết định thành lập Đoàn giám sát; Tổ chức giám sát; Họp đoàn thống nhất dự thảo; Họp Đảng đoàn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố để báo cáo và cho ý kiến dự thảo; Thông báo dự thảo với người được giám sát và lãnh đạo chủ chốt của địa phương, đơn vị có người được giám sát; Ban hành kết luận và báo cáo Thành ủy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiệu quả từ giám sát người đứng đầu