Giao khoán là một trong những giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả và trong những năm qua, nhiều tỉnh đã làm rất tốt công tác này. Lợi ích của việc giao khoán rừng cho cộng đồng dân cư không những giữ được rừng mà còn giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống.
Người dân ở Bình Phước tuần tra bảo vệ rừng.
Rừng đặc dụng Hữu Liên có diện tích hơn 8.200 ha, nằm trên địa bàn của 3 huyện Hữu Lũng, Chi Lăng và Văn Quan. Đây là khu rừng đặc dụng duy nhất của tỉnh Lạng Sơn và là một trong 5 khu rừng đặc dụng có hệ thực vật vô cùng phong phú, quý hiếm nhất ở trên toàn quốc.
Đều đặn hàng tuần, Tổ bảo vệ rừng của thôn Tân Lai, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng lại phối hợp với cán bộ Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên tổ chức tuần tra để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng. Theo ông Triệu Văn Đông, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng thôn Tân Lai, khi đi kiểm tra, nếu phát hiện những trường hợp vi phạm, xâm hại rừng, Tổ sẽ nhanh chóng thông báo với lực lượng chức năng, đồng thời phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân không được vào rừng khai thác, vận chuyển gỗ.
Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên cũng xây dựng Kế hoạch “đảm bảo 8.200 ha rừng đặc dụng không xảy ra tình trạng phát nương, làm rẫy, không xảy ra lấm chiếm đất rừng”; chủ động phối với cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành tổ chức tuyên truyền vận động các thôn, ký cam kết quản lý bảo vệ rừng đặc dụng. Các thôn khi ký cam kết bảo vệ rừng đặc dụng và nhận hỗ trợ đã cơ bản thực hiện nghiêm túc theo đúng những điều khoản quy định. Nhờ đó diện tích rừng được bảo vệ ngày càng tăng.
Mỗi lô rừng bàn giao đều được cắm biển tên của từng hộ gia đình, cộng đồng dân cư nhận khoán. Công tác giao khoán bảo vệ rừng và khoán khoanh nuôi rừng đạt 100% chỉ tiêu; trong đó khoán bảo vệ rừng là trên 7.100 ha và khoán khoanh nuôi là 60 ha. Hàng quý, các trạm bảo vệ rừng đều tổ chức họp giao ban các tổ nhận khoán để đánh giá, kiểm điểm kết quả thực hiện hợp đồng nhận khoán.
Còn tại Bắc Kạn, công tác giao khoán, bảo vệ rừng cũng được triển khai tích cực. Kết quả sau 5 năm thực hiện công tác khoán bảo vệ rừng đặc dụng, phòng hộ được quản lý hiệu quả; diện tích khoán khoanh nuôi tái sinh tự nhiên đã thành rừng, không những thế ý thức, trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng của người dân được nâng cao. Các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát về thực hiện trách nhiệm nghĩa vụ theo các nội dung quy định cụ thể trong hợp đồng đã được ký kết giữa với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng thôn bản…trong việc nhận khoán bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên.
Một hiệu quả nữa đó chính là việc các hộ dân nhận khoán rất tích cực tham gia tuyên truyền, vận động con em, người thân trong gia đình, dòng tộc tại các thôn, bản nâng cao nhận thức về lợi ích của việc nhận khoán bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên sẽ góp phần bảo môi trường, bảo vệ nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất, đồng thời sẽ là nguồn thu ổn định, lâu dài cho cộng đồng thôn, bản và hộ gia đình.
Ở Bình Phước, Vườn quốc gia Bù Gia Mập là rừng đặc dụng lớn nhất với diện tích hơn 25,6 nghìn héc-ta. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các hộ nhận khoán phối hợp nhịp nhàng với Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập, các trạm kiểm lâm và cắt cử người thường trực liên tục 24 giờ trong ngày tại các vị trí nhận khoán. Nhờ đó, toàn lâm phần không để xảy ra tình trạng phá rừng làm rẫy, không bị cháy rừng…
Từ những kết quả trên có thể khẳng định, công tác giao khoán, khoanh nuôi bảo vệ rừng tại các địa phương đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng dân cư sống gần rừng và được xem như là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc bảo vệ, khôi phục lại rừng và tạo điều kiện thuận lợi cho rừng tự nhiên phát triển cũng như tạo điều kiện cải thiện cuộc sống của người dân.