"Khi điều tra nhập vai có dấu hiệu nguy hiểm, liên quan các hành vi vi phạm pháp luật, các tòa soạn nên có kế hoạch và thông báo với cơ quan công an, chính quyền địa phương…để tránh các rủi ro".
Ý kiến trên được Nhà báo Lê Anh Đạt, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Đại Đoàn Kết trình bày tại phiên thảo luận với chủ đề "Phóng sự điều tra - Hành trình làm điều có ích" trong khuôn khổ Diễn đàn báo chí toàn quốc diễn ra vào sáng 16/3 tại TP HCM.
"Nhập vai" điều tra: Nhiều rủi ro
Phát biểu tham luận tại diễn đàn, Nhà báo Lê Anh Đạt chia sẻ, hoạt động điều tra báo chí khác điều tra của công an và các cơ quan chức năng khác. Nhà báo cũng không phải là công chức thi hành công vụ để được hỗ trợ công cụ bảo vệ và hành lang pháp lý đặc thù khi thực hiện nhiệm vụ.
Do đó, trong quá trình tác nghiệp nhà báo phải tự bảo vệ mình, tuân thủ các quy định nghề nghiệp, pháp luật để không vượt qua các ranh giới.
"Khi điều tra nhập vai có dấu hiệu nguy hiểm, liên quan các hành vi vi phạm pháp luật, các tòa soạn nên có kế hoạch và thông báo (tùy mức độ, linh hoạt, sáng tạo) với cơ quan công an, chính quyền địa phương…, để tránh các rủi ro (ví dụ xâm nhập đường dây buôn lậu, buôn bán ma túy, mai dâm, hoặc mua bán hàng hóa trái luật…", Nhà báo Lê Anh Đạt nhìn nhận.
Cũng theo Phó TBT Thường trực Báo Đại Đoàn Kết, thực tế tác nghiệp phóng viên thường xuyên đối diện với rủi ro có thể trở thành tội phạm, trong các tình huống như: không báo cáo cơ quan khi đi tác nghiệp; nhập vai đường dây mua bán hàng hóa pháp luật; tham gia sự kiện có vấn đề; tham gia điều tra kiểu đặc tình của công an;… để làm rõ dấu hiệu, lấy chứng cứ vi phạm của đối tượng;…
Nhà báo Lê Anh Đạt cho rằng, đối với các tình huống kể trên đều có thể bị quy là thúc đẩy phạm tội, hoặc là phạm tội. Đó là những nguy hiểm rình rập nếu tòa soạn và phóng viên không ý thức một cách nghiêm túc ngay từ khi triển khai đề tài.
Viết điều tra thế nào để an toàn ?
Để tránh vấp phải các rủi ro nghề nghiệp khi nhà báo tác nghiệp thể loại phóng sự - điều tra, Nhà báo Lê Anh Đạt cho rằng, các tòa soạn cần phải có sự can thiệp ngay từ khi đề tài còn trong "trứng nước" cho đến khi được xuất bản và được bạn đọc đón nhận.
Sự can thiệp này, theo Nhà báo Lê Anh Đạt chia sẻ, phải đến từ các hướng khác nhau:
Thứ nhất, đối với nhân vật quan trọng thì sự can thiệp này nếu xử lý không tốt thì tác phẩm chẳng những “đứt gánh giữa đường” mà còn dẫn đến hệ lụy trong quản lý mà người đứng đầu cơ quan báo chí phải gánh chịu.
Thứ hai, đối với các mối quan hệ cần chú ý khi làm phóng sự - điều tra, bởi vì đối tượng bị báo chí phản ánh có thể sử dụng tất cả mối quan hệ để làm thay đổi tình hình từ mua chuộc đến đe dọa, như: mối quan hệ quen biết, mối quan hệ công tác, mối quan hệ xã hội, mối quan hệ thân tình,…
Thứ ba, nhà báo khi điều tra cũng cần phải có sự thống nhất của cả ê kíp: Ban biên tập, lãnh đạo ban và nhóm phóng viên. Một bộ phận, thậm chí một người trong ê kíp bị mua chuộc có thể việc điều tra sẽ thất bại, xảy ra những hậu quả nặng nề.
"Bởi vậy, lựa chọn nhân sự điều tra có đủ tố chất, bảo mật đề tài và quá trình thực hiện cần lựa chọn thời điểm, dung lượng, nền tảng để đăng… Từ đó, đưa các đối tượng bị phản ánh vào thế không thể can thiệp.
Ngoài ra, ê kíp và tòa soạn cần làm việc minh bạch, có sự giám sát, giám sát chéo của nhiều bộ phận khác nhau, để việc can thiêp không diễn ra trong bóng tối”, Nhà báo Lê Anh Đạt chia sẻ.
Để thực hiện các đề tài phóng sự - điều tra đảm bảo an toàn cho nhà báo, Nhà báo Lê Anh Đạt cho rằng, các tòa soạn cần phải có cả một hệ thống (lập tổ) chuyên gia cùng thẩm định các chi tiết trong bài điều tra.
Bởi vì, chỉ một chi tiết yếu, chông chênh, hoặc sai sót, tòa soạn sẽ đối diện với vấn đề pháp lý. Mọi thứ có thể thay đổi, nếu chỉ 1 chi tiết sai. Các tòa soạn thường thua vì chi tiết, chứ ít khi thua vì quan điểm bài báo.
Theo Nhà báo Lê Anh Đạt, một bài điều tra có tiếng vang sẽ nhận được phản hồi từ nhiều phía, nếu không có bộ phận tiếp nhận, bộ phận xử lý,.. các tòa soạn sẽ rơi vào bị động. Trong trường hợp này nên lập đường dây nóng, tổ tiếp đón bạn đọc, lập nhóm tư vấn và xử lý phản hồi một cách nhanh nhất để kịp thời tiếp nhận và xử lý các sai sót cũng như diễn biến nằm ngoài tầm kiểm soát.
Vấn đề nguồn tin cũng rất quan trọng, các bài điều tra nên thực hiện từ sự ủng hộ của nguồn tin trung thành (và báo phải bảo vệ cho lợi ích số đông, vấn đề xã hội quan tâm). Bởi vì, Nhà báo Lê Anh Đạt cho rằng, nếu chọn sai đề tài, không có sự ủng hộ từ nguồn tin thì tòa soạn sẽ gặp khó khăn trong hành trình điều tra, đăng tải, xử lý khủng hoảng. Trong trường hợp này có thể nói: có nguồn tin, có bạn đọc thì có tất cả. Bởi vậy, cực kỳ nguy hiểm nếu bị nguồn tin phản bội.
"Có những tác phẩm hoàn thành sứ mệnh, vấn đề đã được giải quyết, nhưng vẫn bị kiện, hầu tòa. Bởi vậy, việc lưu trữ tài liệu là cực kỳ quan trọng. Các tòa soạn nên có bộ phận lưu trữ tài liệu điều tra một cách chuyên nghiệp, đặc biệt là các quy định bảo mật", Nhà báo Lê Anh Đạt chia sẻ kinh nghiệm.