Chuyển đổi số trong nông nghiệp đang có tính cấp bách hơn lúc nào hết, nhằm tạo ra nền tảng thông tin minh bạch, đầy đủ, kịp thời, phục vụ cho người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng nông sản và cơ quan quản lý chuyên ngành.
Hình thành nền nông nghiệp minh bạch là mục tiêu hướng tới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) nhằm mang lại giá trị bền vững trong tiêu thụ nông sản.
Xử lý tận gốc nông sản ùn ứ, cách nào?
Đến thời điểm này, tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được gần 192.000 tấn vải thiều, đạt 93% tổng sản lượng. Đó là minh chứng thành công của mô hình kết nối tiêu thụ nông sản của Bộ NNPTNT và 3 đoàn thể (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) triển khai. Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhận định, mục tiêu của mô hình không chỉ dừng lại ở việc bán được bao nhiêu nông sản mà là hình thành một nền nông nghiệp minh bạch.
Chia sẻ câu chuyện của quả vải thiều ở Bắc Giang, hay Hải Dương là gợi ý để chúng ta cùng suy nghĩ về hướng phát triển và tiêu thụ nông sản trong tương lai. Đồng thời xem đó như một kịch bản để ứng phó khi có biến động trên thị trường. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Cần có một bản đồ hệ thống thông tin giải quyết được về lịch thời vụ, chủ động được thông tin sản xuất, sản lượng, đầu cung thì chắc chắn chúng ta sẽ giải quyết được tình trạng ùn ứ nông sản ở trong tình trạng có dịch Covid-19 và kể cả khi không có dịch bệnh.
Nói cách khác, nếu không có biến động thị trường thì từ mô hình này sẽ tạo ra sự thông suốt bằng một tư duy mới – tức là chúng ta kích hoạt cả một hệ thống để kết nối thông tin, kết nối dữ liệu từ đầu cung đến đầu cầu. Bởi một khi có thông tin dữ liệu minh bạch, thông tin phân tích đa chiều, có sự tham gia của đầu cung là ngành sản xuất ở các địa phương lên tới bộ chuyên ngành là Bộ NNPTNT, đến hệ thống trung tâm phân phối nông sản. Như vậy chúng ta sẽ có bức tranh minh bạch hơn để người sản xuất hiểu được nhu cầu của thị trường về sản lượng, quy chuẩn, về cách thức phân phối lưu thông.
Rồi phía người tiêu dùng biết được xuất xứ, nguồn gốc nông sản, các trung tâm thương mại biết rõ được các vùng nguyên liệu ở trong từng thời điểm, chứ không phải đợi đến lúc chuẩn bị thu hoạch chúng ta mới tính đến câu chuyện phân phối. Khâu phân phối đó phải được đặt trước với những dự báo.
Ở góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, có ý kiến cho rằng, chúng ta cũng cần phải có kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp cho cả đất nước. Việc này nằm trong tầm vĩ mô nên ngành nông nghiệp phải được công nghệ hóa bằng cách sản xuất và chế biến phải có phải quy hoạch, đưa ngành nông nghiệp vào phát triển với công nghệ tiên tiến của thế giới. Nông sản nước ta cần quan tâm hơn đến chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường thế giới mang tính cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, giá cả và cách phục vụ khách hàng trên thế giới. Ngoài ra, cần phải kết hợp 4 nhà: nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học, đó mới là điều quan trọng.
Mặt khác, người nông dân với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là phải biết hợp tác, biết áp dụng hoàn toàn công nghệ 100% tiến bộ khoa học kỹ thuật được chuyển giao, biết tiếp cận thị trường, và tự tin như nông dân thế giới. Nếu thiếu bốn yếu tố đó, thì mặc dù người nông dân làm chủ mảnh ruộng miếng vườn của mình nhưng vẫn không quyết định được thị trường. Do đó, hàng hóa nông sản làm ra không quyết định được giá cả mà vẫn trông chờ may rủi của thị trường.
Cấp bách chuyển đổi số
Việt Nam hiện là đất nước nông nghiệp với khu vực nông thôn chiếm tới 63% dân cư, 66% số hộ, 68% người làm việc; nông nghiệp chiếm tỷ trọng 13.96% trong GDP. Tuy nhiên, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn luôn là căn bệnh trầm kha của nền nông nghiệp.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhận định, tình trạng ùn ứ nông sản chưa thể ngay lập tức được khắc phục, bởi phương thức sản xuất nông nghiệp hiện nay còn nhỏ lẻ, manh mún; công nghiệp chế biến nông sản chưa đủ tầm. Đặc biệt, hệ thống phân phối hàng hóa chưa có sự kết nối chặt chẽ theo chuỗi giá trị. Tư duy còn rất trì trệ. Nông dân thì tư duy theo mùa vụ, chạy theo số lượng, trong khi doanh nghiệp thì tư duy theo thương vụ. Ai cũng nắm lấy một công đoạn của sản xuất, lưu thông để giành phần lãi lớn hơn cho riêng mình. Hay nói cách khác, nông dân và doanh nghiệp chưa phải là “cặp đũa” có đôi. Nếu hai tư duy này không gặp nhau thì câu chuyện “giải cứu” nông sản vẫn khó có hồi kết.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng thẳng thắn nêu thực trạng nền nông nghiệp hiện nay người sản xuất “mù mờ” về thị trường, nơi tiêu thụ, quy chuẩn chất lượng, trong khi thị trường cũng “mù mờ” về sản xuất sẽ dẫn đến hệ quả phải hỗ trợ tiêu thụ, chia cắt chuỗi cung ứng ngành hàng trong kết nối cung-cầu. “Như vậy, trước hết là minh bạch dữ liệu, thông tin, bởi chỉ có minh bạch dữ liệu, thông tin thì nông nghiệp mới vươn xa, mới có trách nhiệm với người tiêu dùng. Bởi vậy Bộ sẽ bắt tay ngay vào chuyển đổi số để không lỡ nhịp đoàn tàu” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chuyển đổi số trong nông nghiệp đang có tính cấp bách hơn lúc nào hết, nhằm tạo ra nền tảng thông tin minh bạch, đầy đủ, kịp thời, phục vụ cho người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng nông sản và cơ quan quản lý chuyên ngành. Mặt khác, tích hợp dữ liệu, phân tích, đánh giá để chuyển hoá thành thông tin hữu ích, rồi minh bạch hoá sẽ giúp khắc phục tình trạng “mù mờ” trong ngành nông nghiệp hiện nay. Ngành nông nghiệp sẽ bắt đầu từ việc xây dựng cơ sở dữ liệu và phải làm chủ được cơ sở dữ liệu.
Có thể thấy, từ việc tiêu thụ quả vải thiều trên các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Postmart… Ông Chu Quang Hào - Thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, người dân lên sàn thương mại điện tử tăng đột biến. Từ chỉ một vài nghìn người mua bán mỗi ngày trước đây thì nay có ngày đã lên tới từ 36.000-37.000 đơn đặt mua quả vải. Các sàn đã kết nối hàng trăm nghìn hộ gia đình mua được những trái vải tươi ngon trong ngày.
Ở một góc nhìn khác, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, chuyển đổi số có thể giúp chúng ta thay đổi vị thế và thứ hạng. Ở ta khó khăn của nông dân là không bán được sản phẩm tới người tiêu dùng nên giá trị thu về thấp vì không có thương hiệu. Và sàn thương mại điện tử có thể giải quyết được những khó khăn cho nông dân, nhưng sàn phải kết nối được nông dân với người tiêu dùng. Sàn thương mại điện tử cũng sẽ kết nối nông dân với các nhà cung cấp những hàng hóa đầu vào cho người nông dân đảm bảo chất lượng, xuất xứ, không bị làm giả, giá cả cạnh tranh.
Khi áp dụng chuyển đổi số, những nông dân số sẽ không phải "trông trời, trông đất, trông mây" để sản xuất như truyền thống mà có thể trông vào dữ liệu để có kế hoạch sản xuất phù hợp, cho phép nông dân bán nhiều thứ chứ không chỉ bán sản phẩm nông sản đơn thuần.
Đặc biệt, chuyển đổi số sẽ tạo ra nền tảng cho phép nông dân và các ngành hàng kết nối với nhau mà không phụ thuộc vào vị trí địa lý. Từ đó có thể kết nối 9 triệu hộ nông dân với các doanh nghiệp chế biến, gắn với 100 triệu người tiêu dùng trong cả nước, thậm chí cả 6 tỷ người tiêu dùng trên thế giới.
Hơn 56% người tiêu dùng chọn thực phẩm có thông tin minh bạch
Một khảo sát mới đây của Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) cho thấy, hiện có hơn 56% người tiêu dùng đi tìm yếu tố minh bạch của các sản phẩm thực phẩm sử dụng, đó là minh bạch trong việc truy xuất nguồn gốc, thành phần, chất lượng sản phẩm…
Theo AFT, nhiều ý kiến của người tiêu dùng trong các cuộc khảo sát đều mong muốn hàng Việt cần minh bạch, rõ ràng trong nhãn mác, thông tin về sản phẩm để đáp ứng thị hiếu và yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, hướng tới áp dụng các phương án truy xuất hiện đại, các loại bao bì cần đa dạng, thân thiện với môi trường… Có như vậy, hàng Việt mới không bị "quay lưng" ở trên sân nhà, trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa ngày càng sâu, rộng.