Tại Hội nghị toàn quốc về nghiên cứu, học tập, quán triệt Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, khi truyền đạt chuyên đề Nghị quyết 28 về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”, bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nêu rõ: Khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ...
Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng cho biết, một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa chú trọng công tác kiểm tra, giám sát; chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan tham mưu, giúp việc. Cần thiết phải phân cấp, phân quyền hợp lý, rõ ràng giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm. Sắp tới sẽ có chính sách riêng của Đảng về trọng dụng, sử dụng nhân tài. Làm sao cho cán bộ trẻ có năng lực vượt trội được cống hiến cho Đảng, đất nước nhiều hơn.
Đó đều là những điều cốt lõi trong công tác cán bộ nói chung, công tác cán bộ của Đảng nói riêng.
Gần đây, từ Quy định 41 của Ban Chấp hành Trung ương về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ (ngày 3/11/2021) và Thông báo kết luận số 20 của Bộ Chính trị về bố trí công tác cán bộ sau khi bị kỷ luật (ngày 8/9/2022) cũng đã có một số trường hợp xin từ chức và đã được chấp thuận. Trong đó có ông Trần Hồng Quảng - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình được nghỉ hưu trước tuổi. Trước đó, ông Quảng bị kỷ luật cảnh cáo và đã chủ động xin từ chức. Ông Phạm Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh được điều động, bổ nhiệm làm Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh. Ông Thành từng bị thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác. Cùng đó, có 2 Thứ trưởng xin về hưu trước tuổi.
Tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII (ngày 3/10), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất để 3 ông: Nguyễn Thành Phong (Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM), Bùi Nhật Quang (nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam); Huỳnh Tấn Việt (nguyên Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương) thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.
Thực tế cho thấy, Quy định 41 và Thông báo kết luận số 20 của Bộ Chính trị về công tác cán bộ không chỉ góp phần thay thế những cán bộ bị kỷ luật, uy tín giảm sút mà còn bước đầu hình thành “văn hóa từ chức”.
Đây là điều rất mới trong công tác cán bộ, khi mà việc “giữ ghế” còn phổ biến, bất luận mình đã bị kỷ luật, không còn uy tín để làm việc, khiến dư luận rất bức xúc. Rất hiếm hoi, hoặc có thể nói là không thấy cán bộ mắc khuyết điểm, năng lực yếu kếm tự giác “rời ghế”. Vì vậy, việc một số cán bộ chủ động xin thôi chức gần đây cần xem là một chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ, đặc biệt là đối với những người thôi chức vì lòng tự trọng, liêm sỉ và thanh danh.
Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với “văn hóa từ chức”, “mở đường” cho những cán bộ vi phạm kỷ luật, yếu kém, mất uy tín tự giác từ chức mà không cố ngồi đến hết nhiệm kỳ thì cũng rất cần tăng cường sức ép từ tổ chức, từ dư luận xã hội để cán bộ đó nhận thấy không thể “trụ” lại được. Nói như Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thì, cần phải tạo ra một “sức ép” trong Đảng, trong xã hội để cán bộ từ chức khi có khuyết điểm hoặc năng lực không đáp ứng vị trí công việc. “Khuyến khích là một cách nói và mong rằng nếu được như vậy thì rất tốt để thấy nhẹ nhàng” - ông Thưởng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, học tập, triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, ngày 5/12.
Khi Đảng đã “mở đường” thì cán bộ vi phạm kỷ luật, năng lực yếu kém cần sớm nhận thức rõ để tự giác xin từ chức, không nên “cố đấm ăn xôi” vừa tự làm khó mình, càng thêm mất uy tín lại vừa làm khó cho tổ chức. Tự nguyện từ chức là tốt, nhưng có lẽ trong nhiều trường hợp thì vẫn chưa đủ. Vì vậy, xin được nhắc lại, cần phải tạo sức ép trong Đảng, trong xã hội để từ đó “văn hóa từ chức” dần được hình thành.