Họ đã xông pha trên tuyến đầu chống dịch

Đức Trân - Nguyễn Phượng (thực hiện) 20/10/2021 06:30

Trong xã hội hiện đại, phụ nữ không chỉ đơn thuần là “phái đẹp”, đặc biệt trong cuộc chiến chống Covid-19 vừa qua, rất nhiều phụ nữ đã hóa thân thành những “chiến binh” trên các mặt trận chống dịch để bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi cùng bà Trương Thị Thu Thủy, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Gia đình-Xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

PV: Bà có thể đánh giá những đóng góp, vai trò của phụ nữ, đặc biệt là nữ bác sĩ, nữ điều dưỡng trong phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua?

Bà Trương Thị Thu Thủy.

Bà Trương Thị Thu Thủy: Từ cuối năm 2019 đến nay, chúng ta chứng kiến cả thế giới đang gồng mình đối phó với Covid-19, được coi là đại dịch gây ra khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ II đến nay. Hàng ngày chúng ta luôn dõi theo dòng thông tin, tin tức cập nhật về tỉnh hình dịch bệnh cũng như các câu chuyện phòng dịch, chúng ta vô cùng xúc động với những giọt mồ hôi, nước mắt, khoảnh khắc khó khăn, vất vả cũng như niềm vui vỡ oà của lực lượng tuyến đầu, chúng ta càng cảm thông, chia sẻ và cảm phục các chị, em đang sát cánh, phân chia nhau ở tất cả các tầng phòng dịch.

Đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng, y tá… gác lại cuộc sống thường nhật. Họ phải tạm rời xa gia đình, xa những người thân yêu, hàng tháng chưa về nhà, cắm chốt trên trận chiến, không ngại xông pha trong các bệnh viện dã chiến, trong tâm dịch để cố giữ sinh mệnh cho các bệnh nhân Covid-19 được an toàn.

Phụ nữ khi làm công tác chống dịch đều làm rất hăng hái, nhanh nhẹn với sức lực gấp 2-3 lần so với ngày thường, chăm lo chu toàn nhất có thể cho người dân ở các khu cách ly, phong tỏa và lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch. Cũng vì đang đi làm công tác chống dịch và trở thành F0, nhiều cán bộ cơ sở khi có người thân qua đời đã không thể về chịu tang người thân. Đây là một mất mát và vết thương lớn đối với các cán bộ cơ sở khi chống dịch tại TPHCM, Bình Dương hay Đồng Nai.

Ngoài công tác phòng, chống dịch, phụ nữ cũng đang nắm giữ vai trò và những đóng góp vô cùng quan trọng trong xã hội hiện đại. Bà có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

- Phụ nữ trong xã hội và người phụ nữ ở Việt Nam có một vai trò rất quan trọng, quan trọng ở đây không chỉ là với thiên chức làm mẹ mà người phụ nữ có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của bất cứ xã hội nào.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có hai tổ chức thành viên là Hội nữ trí thức Việt Nam và Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam. Đây cũng là hai lực lượng phụ nữ hết sức quan trọng, họ không chỉ góp phần tạo ra của cải vật chất, tham gia trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước mà còn là những người phụ nữ tham gia rất tích cực, hiệu quả vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh.

Mới đây thôi, các chị phụ nữ khoa chống nhiễm khuẩn thuộc Bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công an) đã sáng chế ra sản phẩm áo chống sốc nhiệt để gửi tặng các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch tại bệnh viện dã chiến. Sáng chế đó đã đạt được hiệu quả trong điều hoà nhiệt độ cơ thể, tránh tình trạng sốc nhiệt, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cán bộ y tế trong phòng chống Covid-19.

Các nữ doanh nhân trên cả nước dù đang hàng ngày đối diện với những thách thức để thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”, nhưng các chị cùng đoàn kết, thể hiện trách nhiệm, sẻ chia của mình cùng cộng đồng vượt qua khó khăn mùa dịch, bên cạnh các hoạt động an sinh, các chị liên kết, phát triển kinh tế để mỗi mái nhà, mỗi gia đình đều được bình yên, để các doanh nghiệp do nữ làm chủ ngày càng phát triển thịnh vượng…Khó khăn chỉ là tạm thời, tình yêu thương là mãi mãi.

Chặng đường đầy trách nhiệm, nghĩa tình với những cách làm hay, mô hình, hoạt động sáng tạo, năng động, hiệu quả mang đậm dấu ấn cuả tổ chức Hội góp phần nhân thêm niềm tin, lan toả hành động đẹp trong cộng đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng chính phụ nữ lại là những người chịu nhiều tác động xấu do Covid-19 gây ra. Bà có đồng tình với ý kiến trên?

-Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam với những diễn biến vô cùng nhanh, mạnh, phức tạp, đã gây ra nhiều hậu quả nặng nề, tác động nghiêm trọng, sâu sắc tới mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội.

Trong cuộc chiến chống kẻ thù dịch bệnh Covid-19 tác động trực tiếp lên sức khỏe, vốn quý nhất của con người, phụ nữ với những đặc điểm dễ bị tổn thương hơn nhưng chiếm số đông trong lĩnh vực chăm sóc y tế và dịch vụ, phụ nữ là những người đã và đang xông pha trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 và đảm bảo đời sống xã hội. Thế nhưng, những công việc họ đảm nhận lại thường bấp bênh hơn so với nam giới. Và do tính chất công việc, họ cũng chính là những người dễ có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh. Vì thế, khi xảy ra khủng hoảng Covid-19, phụ nữ thường dễ « thiệt đơn, thiệt kép ».

Tính đến ngày 25/9/2021, đã có 356 cán bộ Hội các cấp mắc Covid-19(F0) tại 18 tỉnh/thành, trong đó, có 33 chị đã không qua khỏi. Đó thực sự là những mất mát to lớn đối với gia đình, người thân, địa phương và tổ chức Hội.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Họ đã xông pha trên tuyến đầu chống dịch