Nước lũ dâng cao ở hồ Bà Dương nối với sông Trường Giang, tỉnh Giang Tây khiến nhiều đoạn đê bao bị vỡ, ảnh hưởng đến hàng triệu người.
Đê vỡ ở hồ Bà Dương và cảnh ngập lụt tại tỉnh Giang Tây hôm 13/7. Video:Taiwan News.
Mưa lớn liên tục nhiều tuần qua đã khiến mực nước trong hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, dâng cao nguy hiểm và hôm 11/7 đã vượt mức kỷ lục 22,52 mét được ghi nhận trong trận lụt lịch sử năm 1998, hãng thông tấn Xinhua ngày 14/7 đưa tin.
Khi mưa vẫn tiếp tục trút xuống và đập Tam Hiệp ở thượng nguồn không đáp ứng được khả năng kiểm soát lũ, một số đoạn đê ở hồ Bà Dương đã bị vỡ. Hình ảnh trên mạng xã hội hôm 13/7 cho thấy nhiều đoạn đê bao quanh hồ bị vỡ, dòng nước lũ ồ ạt chảy qua.
Nhiều ngôi nhà ở huyện Bà Dương cạnh hồ nước ngọt này bị nước lũ nhấn chìm. Hình ảnh trong video cho thấy mực nước đã vượt qua mốc 22,52 mét trong trận đại hồng thủy năm 1998.
Theo cơ quan hỗ trợ hạn hán và kiểm soát lũ lụt tỉnh Giang Tây, mực nước vượt mức cảnh báo ở 2.439 km trong tổng số 2.545 km bờ đê ven sông và ven hồ. Tại huyện Bà Dương, tổng cộng 14 đoạn đê đã bị vỡ.
Đến chiều 12/7, trận lụt đã ảnh hưởng đến hơn 5,5 triệu người ở tỉnh Giang Tây, buộc gần nửa triệu người phải sơ tán khỏi các khu vực trũng thấp.
Cơ quan hỗ trợ hạn hán và kiểm soát lũ lụt tỉnh Giang Tây cho biết nước lũ đã phá hủy hơn 510.700 ha hoa màu và gây thiệt hại kinh tế 8,13 tỷ nhân dân tệ (1,16 tỷ USD).
Theo Xinhua, giới chức tỉnh Giang Tây đã nỗ lực hết sức để đối phó thảm họa và nâng cảnh báo lũ lên "báo động đỏ". Đoạn đê bị vỡ ở huyện Bà Dương cũng đã được gia cố hôm 15/7.
Các trận mưa lớn nhiều tuần qua đã ảnh hưởng đến 27 tỉnh, thành phố với hơn 33 triệu người, khiến gần 150 người chết và mất tích, hàng chục nghìn ngôi nhà bị phá hủy và gây thiệt hại gần 9 tỷ USD. Trung tâm Khí tượng Trung Quốc cảnh báo tháng 7 và 8 sẽ là giai đoạn mưa bão cao điểm, đi kèm gió lốc và sạt lở đất.