Hồ thủy điện Hòa Bình vừa mở thêm 1 cửa xả đáy vào hồi 10h sáng nay (5/8). Tính thời điểm hiện tại, thủy điện Hòa Bình đang mở 3 cửa xả đáy.
Theo công điện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lúc 7h sáng 5/8, mực nước thượng lưu hồ Hòa Bình đã ở cao trình 106,72 m, lưu lượng đến hồ 9.502 m3/s, lưu lượng xả 5.345 m3/s. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình mở tiếp cửa xả đáy thứ 3 hồ thủy điện Hòa Bình vào hồi 10h cùng ngày.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho công trình và các hoạt động ven sông và vùng hạ du, Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh các tỉnh, thành phố Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình tổ chức thông báo ngay đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang, đò dọc.
Thực hiện rà soát, đảm bảo an toàn các công trình đang thi công; các hoạt động khai thác tập kết, trung chuyển cát sỏi biết thông tin xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng từ thủy điện xả lũ, dự báo trong 24 giờ tới, mực nước sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên chậm và đạt mức 7,10 m (dưới BĐ1 là 2,40 m) vào chiều mai 6/8, sau đó xuống chậm và phụ thuộc vào quá trình điều tiết của hồ Hòa Bình và Tuyên Quang.
Trên sông Đà, lưu lượng đến hồ Hòa Bình tiếp tục biến đổi chậm theo xu thế giảm, ở trên mức BĐ1 và dưới BĐ2. Diễn biến lưu lượng đến hồ Hòa Bình sẽ phụ thuộc vào quá trình điều tiết của hồ Sơn La.
Trên sông Lô, mực nước tại trạm Vụ Quang tiếp tục lên và đạt mức 14,20 m, dưới BĐ1 vào sáng mai, sau đó xuống chậm và phụ thuộc vào quá trình điều tiết của hồ Thác Bà.
Lũ trên các sông, suối lên gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, làm một phần bờ bãi ven sông bị nước xâm lấn, nhiều diện tích bãi nổi giữa sông bị ngập. Tại vùng hạ lưu sông Lô và sông Hồng- Thái Bình, lũ lên ảnh hưởng đến giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế-xã hội... Ngoài ra, mực nước lũ cao trong nhiều ngày có thể làm lở đất ven sông và ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê vùng ven sông đồng bằng sông Hồng- Thái Bình.