Khó khăn về nguồn tuyển giáo viên là vấn đề đặt ra với nhiều địa phương hiện nay. Tại tỉnh Yên Bái, dù có chính sách thu hút và hỗ trợ 100 triệu đồng đối với giáo viên Tiếng Anh, Tin học lên miền núi công tác nhưng đến nay vẫn chưa tuyển dụng được trường hợp nào.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 toàn ngành giáo dục diễn ra chiều 18/8, một trong những vấn đề được nhiều địa phương nêu ra là khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên do thiếu nguồn tuyển.
Ông Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nêu thực tế tổng số giáo viên của tỉnh hiện đạt 86,5% so với định mức. Từ 2021, dù tỉnh tổ chức nhiều đợt tuyển dụng, bình quân mỗi năm 2 đợt nhưng chỉ có khoảng 53% hồ sơ đăng ký dự tuyển so với chỉ tiêu đặt ra. Chỉ 53,4% trúng tuyển trong tổng số thí sinh dự tuyển, chiếm 28,7% tổng số chỉ tiêu được giao tuyển mới.
Mặc dù tỉnh có chính sách thu hút và hỗ trợ 100 triệu đồng đối với giáo viên tiếng Anh, Tin học lên miền núi công tác nhưng đến nay vẫn chưa tuyển dụng được trường hợp nào. Trong khi đó, tỉnh đang có khoảng 200 cử nhân cao đẳng đã tốt nghiệp nhưng do không đạt chuẩn mới nên không thể tuyển dụng được.
Vì vậy, ông Duy mong muốn Bộ GDĐT và các cơ quan liên quan cho phép tuyển dụng số cử nhân này vào biên chế. Tỉnh sẽ sử dụng kinh phí để đào tạo liên thông đại học để đạt chuẩn từ 3-5 năm. Vừa tháo gỡ cho địa phương, vừa đỡ lãng phí nguồn nhân lực này vốn chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số do tỉnh bỏ kinh phí ra đào tạo nhưng đến nay không tuyển dụng được rất lãng phí.
Chung khó khăn này, ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết dù được giao tuyển mới 600 biên chế nhưng địa phương rất khó khăn trong nguồn tuyển. Trong khi đó, Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo ngành Sư phạm tỉnh cũng gặp khó khăn cần tháo gỡ do khi triển khai tuyển dụng lại theo Nghị định 115 nên ông Luân kiến nghị cần có quy định đồng bộ.