Đăk Hà là một trong những huyện điển hình làm tốt công tác hỗ trợ đối với nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Kon Tum theo Nghị định 109/2015/NĐ-CP.
Già A Lít, thôn 2, xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy (tỉnh Ton Tum), kéo cây đàn K’Ni có bầu cộng hưởng bọc bằng da cóc. Ảnh minh họa: TTXVN.
Năm 2016, huyện Đăk Hà có 13 nghệ nhân ưu tú được vinh danh tại Liên hoan văn nghệ dân gian Tây Nguyên gắn liền với Tuần văn hóa - du lịch tỉnh Kon Tum do Chủ tịch nước trao tặng các nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể.
Qua khảo sát, trong 13 nghệ nhân ưu tú này, có đến 11 nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn nên khi triển khai chính sách hỗ trợ, chính quyền huyện Đăk Hà đã nhanh chóng hoàn tất các hồ sơ thủ tục, cấp kinh phí đến tận tay các nghệ nhân, giúp nhiều gia đình có tiền trang trải cuộc sống. Trong đó, có 5 nghệ nhân được hưởng mức trợ cấp 850.000 đồng/ tháng; 6 nghệ nhân được hưởng mức trợ cấp là 700.00 đồng; thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho 11 nghệ nhân trên.
Nghệ nhân Y Yel, 58 tuổi, dân tộc Xê Đăng, là nghệ nhân hát kể sử thi, chế tác các loại nhạc cụ dân gian, sống tại thôn Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà. Gia đình bà thuộc diện hộ nghèo, 2 vợ chồng già chỉ có 1 sào lúa nên cuộc sống gia đình bà Y Yel rất khó khăn. Từ đầu năm 2016, khi được truy lĩnh số tiền hơn 10 triệu đồng từ chế độ hỗ trợ nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn, bà vui mừng khôn xiết. Hai vợ chồng già đi mua ngay xi măng về tự tay tráng nền nhà, mua tôn về lớp lại mái nhà dột nhiều năm.
Nghệ nhân Y Yel phấn khởi nói: “Cảm ơn Chính phủ, cảm ơn Nhà nước đã quan tâm đến đời sống của bà con nghệ nhân chúng tôi. Trước nhà tôi nghèo lắm, trồng lúa không đủ ăn nhưng nay có tiền hỗ trợ nghệ nhân 850.000 một tháng rồi, gia đình tôi cũng không lo đói nữa”.
Sau 2 đợt truy lĩnh, từ đầu tháng 2/2017, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đăk Hà đã giao cho từng xã, thị trấn cấp phát tiền hỗ trợ đến từng hộ gia đình nghệ nhân theo tháng.
Bà Hồ Thị Ngọc Lan, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện Đăk Hà cho biết: “Chúng tôi cố gắng thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân để giúp gia đình các nghệ nhân có thêm nguồn thu nhập. Qua đó bù đắp được những khó khăn, thiếu hụt về kinh tế trong cuộc sống, ổn định về mặt tinh thần của các nghệ nhân, tạo niềm phấn khởi tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”.
Nghệ nhân ưu tú A Bôm tại thôn Kon Kơ Lốk, xã Đăk Mar, năm nay đã 80 tuổi tròn. Ai có dịp đến thăm, nhìn Già lọm khọm ra tiếp khách mà cảm kích tấm lòng của những nghệ nhân hết lòng cống hiến cho việc gìn giữ các văn hóa truyền thống địa phương.
Hoàn cảnh gia đình nhà nghệ nhân A Bôm thuộc dạng đặc biệt khó khăn, tuổi già không còn làm nương làm rẫy được nữa nên già A Bôm sống dựa vào con cái. Từ khi được nhận hỗ trợ của chính quyền, già A Bôm vui lắm, có tiền mua cái quần cái áo mới, mua gạo, mua muối để dành trong nhà không sợ đói.
Giọng nghệ nhân A Bôm run run: “Chúng tôi là nghệ nhân, yêu văn hóa dân tộc mình nên làm ra những cây đàn, rồi đánh, rồi truyền dạy cho lớp trẻ để tụi nó không quên nguồn cội, để bảo tồn văn hóa cộng đồng. Nay được Nhà nước quan tâm hỗ trợ cuộc sống, tôi nghĩ lớp con cháu sẽ có động lực hơn trong việc tiếp nối truyền thống cha ông”.
Ngoài hỗ trợ kinh phí cho những nghệ nhân còn sống để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tại địa phương, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Đăk Hà cũng đã hỗ trợ mai tang phí kịp thời cho nghệ nhân A Thiuh đã từ trần tháng 4/2017 với mức hỗ trợ 7.000.000 đồng.
Bà Nguyễn Thị Thắm, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đăk Hà cho biết: “Cuộc sống của nghệ nhân tại địa phương hầu hết còn nhiều khó khăn, bà con được nhận hỗ trợ rất phấn khởi. Chính quyền hỗ trợ cho nghệ nhân về kinh tế thì họ có thêm thời gian để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa cộng đồng góp phần bảo tồn văn hóa phi vật thể tại địa phương. Sắp tới, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đăk Hà sẽ mở các lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang do trực tiếp các nghệ nhân ưu tú này đứng lớp”.
Chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn đã được chính quyền huyện Đăk Hà triển khai kịp thời và nhanh chóng đã giúp cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của nghệ nhân. Qua đó, tạo điều kiện cho các nghệ nhân có thời gian nghiên cứu, truyền dạy nét đặc sắc của dân tộc mình cho thế hệ trẻ góp phần bào tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của quốc gia.