Sáng 16/1, Doanh nghiệp xã hội (ECUE) cùng Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) công bố triển khai chương trình GEARS@VIETNAM.
Đây là chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tại Việt Nam đo lường và thực hành chứng chỉ ESG (Environment – Social – Governance) toàn diện trong quản trị nguồn nhân lực, qua đó gia tăng lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chương trình này cũng là một sáng kiến của chính phủ Australia nhằm thúc đẩy bình đẳng của phụ nữ ở các nước Indonesia, Myanmar, Philippines và Việt Nam.
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm BSA cho biết, trong hành trình hội nhập của doanh nghiệp, việc thích ứng với các tiêu chuẩn bền vững của thế giới là điều vô cùng cần thiết. Vì vậy, ngoài yếu tố xanh hóa trong ESG, năm nay BSA bắt đầu hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng yếu tố xã hội và quản trị.
"Việc chuẩn bị sớm những yếu tố này sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tránh khỏi tình trạng bất lợi do tụt hậu, từ đó có lợi thế trong việc duy trì vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Quan trọng hơn hết, việc thực hiện chiến lược bình đẳng giới tại nơi làm việc một cách toàn diện chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp thu hút nguồn lực đầu tư trong bối cảnh cạnh tranh mới” bà Hạnh nói.
Ông Lê Quang Bình, Giám đốc ECUE khẳng định: “Chương trình GEARS@VIETNAM sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp có được sự xác nhận và bằng chứng vững chắc về các nỗ lực trách nhiệm xã hội để hỗ trợ báo cáo ESG”.
Theo ông Bình, ngoài lợi thế trên, sẽ nâng cao uy tín thương hiệu, thu hút người mua và thành công trên thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, GEARS cũng giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín như một nhà tuyển dụng có cam kết với môi trường bình đẳng và hòa hợp dành cho nhân viên, qua đó thu hút lực lượng nhân tài hàng đầu trên thị trường”.
Tại Việt Nam, sự quan tâm đến bình đẳng giới tại nơi làm việc đã tăng đáng kể nhờ chính sách nhà nước và hội nhập quốc tế. Luật Bình đẳng giới 2006 và Bộ luật Lao động quy định rõ việc cấm phân biệt đối xử về giới trong tuyển dụng, trả lương, đào tạo, thăng tiến và các hoạt động khác. Bộ luật Lao động cũng có các điều khoản hỗ trợ lao động nam và nữ nghỉ thai sản, chăm sóc con và chế độ để lao động nữ cho con bú.
Các tập đoàn đa quốc gia và các công ty Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thường chú trọng bình đẳng giới hơn các doanh nghiệp địa phương do ảnh hưởng từ các tiêu chuẩn quốc tế.
Nhận định của chuyên gia, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc. Tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động tại Việt Nam thuộc loại cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại sự chênh lệch giữa sự tham gia của nữ giới và nam giới.
Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nữ là 62,7%, thấp hơn 12,8 điểm phần trăm so với tỷ lệ nam giới là 75,5%. Ngoài ra, tỷ lệ nữ sở hữu doanh nghiệp vẫn còn khá thấp, khoảng 20%, chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc giải quyết những khoảng cách này là thách thức đáng kể cần được ưu tiên trong những năm tới.