Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong nội dung phê duyệt phương án ứng cứu, chống hạn cho các tỉnh tại phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ, diễn ra ngày 26/3.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điều hành phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ.
Tại phiên họp, cấp bách nhất vẫn là khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, “khó khăn nhất là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm (tăng trưởng âm) 1,23% do thiên tai, rét hại, băng giá, hạn hán, xâm ngập mặn. Nếu tình hình sản xuất nông nghiệp tiếp tục khó khăn như hiện nay, sản lượng dầu thô chỉ khai thác khoảng 14,2 triệu tấn, công nghiệp chế biến, chế tạo phấn đấu đạt 11% thì tốc độ tăng trưởng GDP cả năm chỉ đạt khoảng 5,45% thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,7%”.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, tình hình khô hạn, ngập mặn đã rất cấp bách. Quý 1 vừa qua, nông nghiệp tăng trưởng âm chủ yếu là do trồng trọt (âm tới 6%). Thời tiết dị thường khiến nông dân các tỉnh Nam Trung Bộ thiệt hại nặng nề, đã có 23 nghìn ha đất nông nghiệp tại Ninh Thuận, Bình Thuận không thể canh tác nông nghiệp. Tại đồng bằng sông Cửu Long đã có tới 210 ngàn ha lúa thiệt hại. Ở khu vực Tây Nguyên rất nhiều diện tích cà phê, hồ tiêu...chết vì thiếu nước dù giờ chưa phải là thời điểm đỉnh hạn. Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ tình hạn hán, ngập mặn, xây trạm bơm, cấp bách cấp nước sinh hoạt cho nhân dân bởi hiện này có hơn 1 triệu hộ cần được cấp nước ngọt.
Chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ đã phê duyệt phương án ứng cứu, chống hạn cho các tỉnh. Đề nghị các tỉnh cần làm luôn với tinh thần “không để dân đói, khát nhưng đúng địa chỉ”.