Theo quy định tại Luật Việc làm, đối tượng thất nghiệp được hỗ trợ học nghề với mức tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Quy định này được xem là “phao” cứu sinh cho người lao động khi rơi vào tình trạng thất nghiệp, song phần lớn người lao động thờ ơ với chính sách này.
Ảnh minh họa.
Người lao động thờ ơ
Hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động sau thất nghiệp không phải đến bây giờ mới được quy định tại Luật Việc làm mà trước đó ngày 3-10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 55/2013/QĐ-TTg quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN). Theo đó, người lao động thất nghiệp sẽ được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/khóa học nghề đến 3 tháng; 600 nghìn đồng/khóa học trên 3 tháng.
Tiếp đó đến ngày 24/12/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 55 quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia BHTN lên 6 triệu đồng/khóa. Theo đó, người tham gia các khóa đào tạo nghề không quá 6 tháng được hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế. Người lao động tham gia BHTN chỉ phải đóng phần vượt quá nếu phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ.
Đến năm 2015 quy định trên một lần nữa được luật hóa tại Luật Việc làm. Mục đích chính của BHTN là nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động bị mất việc làm, đặc biệt hỗ trợ lao động thất nghiệp học nghề, tìm việc làm mới. Tuy nhiên, sau nhiều năm được triển khai, dường như chính sách ưu việt trên vẫn chưa thực sự trở thành “phao” cứu sinh cho người lao động như mong đợi.
Phản ánh từ các địa phương cho thấy, phần lớn người lao động không mấy mặn mà với chính sách hỗ trợ đào tạo nghề. Đơn cử tại Hà Nội năm 2015, trong số hơn 32.700 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, chỉ có 1.979 người có quyết định hỗ trợ học nghề. Công tác hỗ trợ dạy nghề sau thất nghiệp vẫn chưa tạo được động lực cho người lao động tham gia.
Nguyên nhân khiến người lao động quay lưng với chính sách hỗ trợ nghề theo các địa phương, do thời gian đào tạo được hỗ trợ theo quy định nhiều nhất 6 tháng là quá ngắn, không đủ thời gian học trọn vẹn một nghề mới hoặc nâng cao trình độ hiện có. Bên cạnh đó, tâm lý người thất nghiệp là mong muốn học những nghề mà thị trường lao động đang cần, tuy nhiên, hiện nay các cơ sở dạy chỉ dừng ở mức “có gì đào tạo nấy”.
Kịp thời sửa những bất cập
Thừa nhận người lao động ít có cơ hội lựa chọn nghề vì cơ sở dạy nghề chưa phong phú, trang thiết bị dạy nghề lạc hậu, chưa được hỗ trợ tiền ăn, đi lại trong thời gian học nghề. Tuy nhiên, đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lại cho rằng, đa số lao động thất nghiệp là lao động phổ thông, đời sống khó khăn không có nguồn dự trữ hoặc hỗ trợ khác nên khi bị mất việc người lao động chỉ quan tâm đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Vì vậy, tâm lý chung là dành thời gian kiếm sống và tìm các công việc khác để duy trì cuộc sống rồi mới tính đến việc học nghề. Mặt khác, một số công ty ở các khu công nghiệp khi tuyển dụng chủ yếu là tuyển lao động phổ thông, nên người lao động có thể kiếm được việc làm mới ngay sau khi mất việc mà không cần học nghề khác. Bên cạnh đó, do tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam cao (trên 55% lực lượng lao động) do đó đa số người thất nghiệp đã được đào tạo nghề nên không có nhu cầu học nghề.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp, khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện chính sách BHTN hiện nay là nhận thức của một số người lao động, người sử dụng lao động về chính sách BHTN còn hạn chế, nhiều người chưa hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình trong việc tham gia và hưởng BHTN.
Ví dụ: Người lao động không trung thực khi khai báo tình trạng việc làm; các doanh nghiệp phần lớn chưa thực hiện thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động theo quy định nên không cập nhật được số liệu về tình hình lao động tại địa phương. Không ít người lao động chưa chủ động trong việc tìm kiếm việc làm hoặc học nghề mà chỉ quan tâm đến việc nộp hồ sơ để đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Cũng theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, hiện một số doanh nghiệp còn gặp khó khăn về kinh tế nên xảy ra tình trạng chậm đóng và nợ đọng BHTN. Nếu như năm 2011 số nợ đọng BHTN là 172 tỷ đồng thì đến năm 2015 số nợ đọng BHTN là 311,034 tỷ đồng. Do đó, người lao động không chốt được sổ BHXH gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động, ảnh hưởng đến công tác thực hiện chính sách BHTN.
“Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới, Bộ LĐTB&XH sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền chính sách BHTN nói chung và tuyên truyền về tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề nói riêng, cũng như cải cách trình tự, thủ tục thực hiện hỗ trợ học nghề để tăng cường hơn nữa công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề đối với NLĐ tham gia BH thất nghiệp”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định.