Hỗ trợ lao động nghèo xuất ngoại

Lan Hương 01/11/2023 07:00

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), các chương trình phi lợi nhuận tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp cận, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Nhờ triển khai chương trình phi lợi nhuận nhiều lao động nghèo đã có thu nhập ổn định khi đi làm việc ở nước ngoài.

Tạo điều kiện để người nghèo có thu nhập cao

Đánh giá việc triển khai công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài qua chương trình phi lợi nhuận, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cho biết, thời gian qua, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh cả về chất và lượng; thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập, điều kiện lao động tốt; thị phần lao động Việt Nam tại một số nước, vùng lãnh thổ gia tăng đáng kể.

Trong đó việc thực hiện các chương trình như EPS của Hàn Quốc, IM Japan, Chương trình Osaka tại Nhật Bản, Chương trình Đài Loan (Trung Quốc), Chương trình Hand in Hand tại CHLB Đức… đạt hiệu quả cao, từ năm 2004 đến nay đã đưa hơn 136 nghìn lượt người lao động đi làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức…

“Với mức chi phí tham gia thấp, cách thức triển khai công khai, minh bạch, chương trình phi lợi nhuận đã tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp cận, đặc biệt là người lao động có hoàn cảnh khó khăn, thuộc đối tượng chính sách, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội” - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan đánh giá.

Tại Quảng Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong cho biết, các chương trình phi lợi nhuận do Bộ LĐTB&XH đang triển khai mang lại nhiều kết quả quan trọng, giúp cho nhiều lao động có việc làm thu nhập cao, chi phí thấp, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững. Tại Quảng Bình trong giai đoạn 2017-2022, toàn tỉnh đã đưa hơn 24.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, bình quân 4.000 lao động/năm. Thông qua Chương trình EPS, từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh đưa hơn 3.600 lao động sang làm việc tại Hàn Quốc, năm 2023 có hơn 500 lao động xuất cảnh và hơn 1.500 người đăng ký mới.

Mặc dù đạt được kết quả trên song theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan, công tác đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vẫn còn một số khó khăn nhất định, nhất là tại vùng sâu, vùng xa do trình độ văn hóa, nhận thức và ý thức kỷ luật của người lao động chưa cao; một số đồng bào dân tộc thiểu số không muốn con, em đi làm xa; tiền công của một số thị trường chưa đủ sức hấp dẫn người lao động; công tác vay vốn cho người lao động gặp nhiều khó khăn; tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài vi phạm pháp luật của nước sở tại, bỏ hợp đồng, hoặc khi hết hạn hợp đồng không về nước vẫn ở mức cao...

Hỗ trợ vay ưu đãi

“Để công tác đưa người lao động khu vực vùng khó khăn đi làm việc ở nước ngoài đạt hiệu quả, các địa phương cần có các giải pháp cụ thể hơn nữa như cho vay vốn học nghề, ngoại ngữ, tuyên truyền, vận động người lao động và gia đình khi người lao động hết hạn hợp đồng lao động về nước đúng hạn…” - ông Hoan nhấn mạnh.

Cùng với việc đẩy mạnh đưa lao động tại vùng khó khăn đi làm việc ở nước ngoài, Bộ LĐTB&XH cho biết, sẽ nâng chất lượng nguồn nhân lực đồng thời tìm kiếm thị trường lao động tiềm năng.

Thực tế, theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, từ năm 2010 đến nay, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn là 1.426.479 người. Số lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng liên tục qua các năm và đạt cao nhất vào năm 2019, với 152.530 người (bằng 121% năm 2016). Trong đó, ghi nhận sự tăng nhanh tại thị trường có thu nhập cao, ổn định như Nhật Bản và Đài Loan; giảm mạnh ở các thị trường có thu nhập trung bình như Malaysia, Trung Đông và Bắc Phi. Trong số người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, số lao động là đối tượng thuộc các chính sách hỗ trợ chiếm khoảng 10%.

Theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao và ổn định, điều kiện làm việc được bảo đảm và được phía bạn đánh giá cao. Tuy nhiên, chất lượng nguồn lao động vẫn còn nhiều rào cản khi đa phần lao động đi làm việc ở nước ngoài là lao động phổ thông. Chính vì vậy, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thời gian tới, sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, theo hướng: Thúc đẩy ký kết các thỏa thuận về hợp tác lao động đối với các nước chưa ký hiệp định, thỏa thuận hợp tác lao động; tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động; nâng cao chất lượng các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đẩy mạnh công tác chuẩn bị nguồn, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng và phát triển nguồn nhân lực…

Ngoài các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, hỗ trợ trực tiếp cho người lao động làm các thủ tục trước khi đi, chính sách cho vay ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng sẽ được đẩy mạnh. Từ đó tạo điều kiện cho người lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động cư trú tại các khu vực, địa bàn đặc biệt khó khăn được tiếp cận chính sách góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Thực tế, theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, từ năm 2010 đến nay, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn là 1.426.479 người. Số lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng liên tục qua các năm và đạt cao nhất vào năm 2019, với 152.530 người (bằng 121% năm 2016). Trong đó, ghi nhận sự tăng nhanh tại thị trường có thu nhập cao, ổn định như Nhật Bản và Đài Loan; giảm mạnh ở các thị trường có thu nhập trung bình như Malaysia, Trung Đông và Bắc Phi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỗ trợ lao động nghèo xuất ngoại