Hỗ trợ lao động thất nghiệp: Tìm giải pháp bền vững

Lê Bảo 09/09/2023 09:00

Trước làn sóng người lao động mất việc làm gia tăng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, song theo các chuyên gia về lâu dài cần chú trọng vào đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động một cách bền vững.

Nhiều lao động rơi vào “khủng hoảng” vì mất việc làm

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), trong quý I/2023, vẫn tồn tại trình trạng thiếu việc làm (2,06%). So với quý I, tình trạng cắt giảm đơn hàng dẫn đến thiếu việc làm diễn ra trong quý II cao hơn, khi có trên 500.000 người thiếu việc làm, bị cắt giảm giờ làm. Trong đó, số bị cắt giảm việc làm dẫn đến thất nghiệp là 172.000 người, chủ yếu rơi vào khu vực FDI và khu vực Đông Nam Bộ.

Nguyên nhân tình trạng cắt giảm lao động là do doanh nghiệp (DN) thiếu đơn hàng, khi kinh tế các nước gặp khó khăn, lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, nên sức mua sụt giảm… Nhiều DN trong nước gặp tình trạng hàng tồn kho lớn, không xuất được, không có đơn hàng mới.

Trước thực trạng này, nhiều chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) được ban hành giúp NLĐ vơi bớt phần nào khó khăn. Theo ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam) những chính sách hỗ trợ này đã giúp nhiều NLĐ vượt qua khó khăn trước mắt song về lâu dài cần hoàn thiện theo hướng hỗ trợ nhiều hơn nữa, chú trọng vào đào tạo, duy trì việc làm cho NLĐ một cách bền vững chứ không chỉ chú trọng trợ cấp cho họ khi mất việc làm. Đặc biệt, chính sách bảo hiểm thất nghiệp phải hướng tới đảm bảo việc làm, bảo đảm tay nghề cho NLĐ.

Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp để NLĐ bị mất việc làm có điều kiện đảm bảo cuộc sống, đặc biệt là chính sách về tiền lương, thu nhập, tránh tình trạng NLĐ mất việc không đủ thu nhập để duy trì cuộc sống, buộc phải rút BHXH một lần.

Từ thực tế công tác kết nối cung – cầu lao động tại thị trường Hà Nội, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng cho rằng, NLĐ bị mất việc làm sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. “Với vai trò là đơn vị trực tiếp tham gia giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, giới thiệu việc làm… chúng tôi đã lắng nghe rất nhiều chia sẻ của NLĐ và hiểu rõ, mất việc khiến cuộc sống của cả gia đình họ bị đảo lộn, nhiều người rơi vào khủng hoảng” - ông Thành nói.

Giải pháp nào mang tính bền vững?

Đánh giá thực trạng cung – cầu lao động hiện nay, ông Thành nhận định, trong thời điểm này, cả DN và NLĐ đều khó khăn. Về phía DN là thiếu đơn hàng ảnh hưởng từ tình hình chung bao gồm chính sách tiền tệ; sức mua sụt giảm; chi phí sản xuất tăng cao; giá nguyên liệu tăng mạnh... Sau đại dịch Covid-19, DN phải chống đỡ thời gian dài, để cải thiện tình trạng khó khăn, họ phải thực hiện nhiều biện pháp trong đó có chuyển đổi cơ cấu lao động. Chính vì vậy, để có giải pháp hỗ trợ phù hợp cho NLĐ không hề đơn giản. Theo ông Thành, giải pháp hữu hiệu hỗ trợ NLĐ chính là đảm bảo việc làm bền vững.

“Chúng ta cần phân loại khi triển khai các chính sách hỗ trợ, với lao động giản đơn sẽ có những chính sách hỗ trợ đào tạo nghề để NLĐ sớm tìm việc làm mới ổn định. Cùng với đó các chính sách hỗ trợ NLĐ trong bối cảnh này cần sát hơn, cũng như cần các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu nội địa… để hỗ trợ DN. Ngoài ra, vốn, giá nguyên vật liệu đầu vào cũng rất cần thiết để hỗ trợ DN nhanh chóng phục hồi. Từ đó, NLĐ sẽ có công ăn, việc làm” - ông Thành nói.

Đồng quan điểm, ông Lê Đình Quảng cũng cho rằng, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cần hướng tới đảm bảo việc làm, hỗ trợ nâng cao tay nghề cho NLĐ. “Mất việc, tìm việc làm đã khó, việc làm có thu nhập ổn thì càng khó khăn hơn. Trong khi chi phí đời sống phục vụ sinh hoạt gia đình càng ngày càng cao. Nhiều người trong số họ buộc phải rút BHXH một lần, nhận trợ cấp thất nghiệp mà không đủ thời gian, điều kiện để học nghề mới. Vì vậy, chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cần hoàn thiện để hỗ trợ thêm cho người lao động, giúp họ có điều kiện quay trở lại thị trường lao động khi mất việc làm” - ông Quảng đề xuất.

“Khi mất việc làm, NLĐ cần phải quan tâm đến đào tạo nghề mới phù hợp với điều kiện, để tìm được công việc mới bền vững, chứ không chỉ chú trọng đến trợ cấp thất nghiệp. Như vậy, cả DN và NLĐ phải đồng hành giải quyết vấn đề này trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, vai trò của Nhà nước rất quan trọng, phải hoạch định để có thị trường việc làm linh hoạt, hiện đại cũng như chính sách phát triển thị trường lao động bền vững” - ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam) nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỗ trợ lao động thất nghiệp: Tìm giải pháp bền vững

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO