Năm nay, Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) sẽ dành 2.400 tỷ đồng nguồn tài chính công đoàn hỗ trợ tiền Tết cho công nhân tại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch, khoảng 8 triệu người, với mức 300.000 đồng một người. Những công nhân có hoàn cảnh khó khăn có thể được hỗ trợ thêm 1-2 triệu đồng một người từ nguồn xã hội hoá.
Từ nay đến Tết Nguyên đán 2022, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng yêu cầu công đoàn các cấp chủ động tham gia với các cơ quan chức năng nắm tình hình, kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ tiền lương, tiền thưởng trong dịp tết. Triển khai các biện pháp phát hiện, ngăn ngừa tranh chấp lao động, đình công trái luật phát sinh trong dịp Tết.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam thông tin thêm, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang nghiên cứu sửa đổi giảm mức hỗ trợ cho F0, F1 cho phù hợp với tình hình thực tế, khi các địa phương chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn với dịch Covid-19, để giảm mức chi cho quỹ tài chính công đoàn. Theo quy định hiện nay, mức hỗ trợ hiện nay đối với F0 là 3 triệu đồng và F1 đi cách ly được hỗ trợ 1,5 triệu đồng.
Với chủ đề “Tết sum vầy - Xuân bình an” và phương châm tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết, LĐLĐ TP Hà Nội chỉ đạo các cấp Công đoàn tập trung nguồn lực để chăm lo đoàn viên và người lao động (NLĐ) nhân dịp Tết với những nội dung chính gồm: chăm lo về tiền lương, tiền thưởng; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho đoàn viên, NLĐ; phối hợp xử lý kịp thời những phát sinh liên quan đến quyền lợi của NLĐ xảy ra trong dịp Tết; tổ chức chương trình “Tết sum vầy” rộng khắp, hướng về cơ sở và tổ chức hoạt động hỗ trợ phương tiện đối với NLĐ có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết.
LĐLĐ TP Hà Nội yêu cầu các cấp Công đoàn tham gia phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch trả lương, thưởng, các khoản phúc lợi khác trong dịp Tết, sớm công khai để NLĐ biết và giám sát thực hiện. Đối với những DN đang gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, Công đoàn đề xuất kiến nghị hợp lý để NLĐ được thanh toán tiền lương, thưởng trong dịp Tết.
Riêng LĐLĐ TP Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức chương trình “Tết sum vầy” Xuân Nhâm Dần năm 2022 với sự tham gia của 1.000 đoàn viên, NLĐ; hỗ trợ phương tiện đưa đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết; trao 10.000 phần (1 triệu đồng/phần) cho đoàn viên, NLĐ.
Ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội cho biết, năm 2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng, tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và mọi mặt của đời sống xã hội.
Thống kê mới nhất của LĐLĐ TP Hà Nội, tới ngày 24/12, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đã khiến 3.006 đoàn viên, công nhân viên lao động của Hà Nội là F0, 52.174 công nhân và người lao động dừng và mất việc làm.
Theo nhận định của LĐLĐ TP Hà Nội, tại thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp đang triển khai phương án tăng lương, chi trả lương thưởng Tết và các khoản phúc lợi cho người lao động. Đây cũng là lúc những mâu thuẫn có thể dẫn đến tranh chấp lao động và đình công có nguy cơ phát sinh.
LĐLĐ TP yêu cầu chú trọng việc tăng cường công tác phổ biến pháp luật, các nội quy và quy chế có liên quan đến quyền, lợi ích và các chế độ phúc lợi để người lao động biết, không để phát sinh những điểm nóng về quan hệ lao động, bị các đối tượng lợi dụng kích động tham gia các hoạt động gây mất an ninh trật tự.
Đặc biệt, khi có tranh chấp lao động tập thể, đình công xảy ra thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương nhanh chóng giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động...
Sở LĐTBXH Hà Nội cũng vừa công bố báo cáo kết quả khảo sát tình hình lương, thưởng của 6.325 doanh nghiệp trên địa bàn. Theo đó, mức thưởng Tết cao nhất đạt 400 triệu đồng và mức thấp nhất là 400.000 đồng. Khảo sát được thực hiện với 4 loại hình doanh nghiệp trên địa bàn, gồm: Công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Công ty có cổ phần vốn góp chi phối của nhà nước, doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp FDI.