Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Võ Đỗ Thắng cho rằng, không chỉ riêng tại khu tái định cư (TĐC) Lộc An – Bình Sơn mà nhiều địa phương trên cả nước cũng đang tính toán để sinh kế cho người dân khu TĐC.
PV: Đại đa số người dân TĐC đang gặp khó về sinh kế tại nơi ở mới. Theo ông nguyên nhân do đâu?
Ông Võ Đỗ Thắng: Bài toán sinh kế cho dân TĐC, theo tôi đến nay vẫn chưa có lời giải nào phù hợp vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Người dân khi đến nơi ở mới sẽ lạ lẫm tất cả mọi thứ. Từ sinh hoạt, đời sống từ nông thôn ra thành thị, hoặc đại loại như tiếp cận về môi trường sống nó cũng khác biệt theo văn hóa của từng khu vực. Rồi công việc tại nơi ở cũ họ làm nghề này nhưng tới nơi mới không còn phù hợp. Ví dụ như ở khu TĐC Lộc An – Bình Sơn ở Đồng Nai, trước đó người dân ở nơi cũ chủ yếu làm nông nghiệp, đến nơi mới không có quỹ đất thì làm sao họ làm nông nghiệp được.
Nắm bắt đúng nhu cầu việc làm của người dân sẽ giải được bài toán này thưa ông?
- Trước khi nghĩ đến việc di dời hàng nghìn hộ dân về nơi ở mới, chắc chắn chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã tính toán về việc hỗ trợ sinh kế. Tuy nhiên, phải phân tích xem những hỗ trợ đó của chính quyền, cơ quan chức năng cho người dân đã phù hợp với khả năng và nhu cầu của người dân hay chưa? Tôi lấy ví dụ, trước đây người làm nông nghiệp, trồng lúa, hoa màu mà giờ bắt người ta đi làm cái khác như làm công nhân, dịch vụ, buôn bán thì sẽ rất khó. Nhất là người dân ở độ tuổi từ 45 trở lên. Kinh nghiệm ở một số nước, người ta vận dụng những nền tảng công việc cũ của người dân để giúp họ duy trì hoặc đổi mới trên nền tảng đó. Bây giờ là thời đại công nghệ số. Với những người dân lâu nay vốn quen làm nông nghiệp, nên chăng chính quyền địa phương cũng khuyến khích hoặc hỗ trợ để họ làm nông nghiệp công nghệ cao dạng tập trung dưới hình thức hợp tác xã. Lợi thế của người dân hiện nay là đều có điện thoại thông minh, có kết nối interner, chính quyền địa phương có thể tận dụng lợi thế của môi trường mạng, giúp người dân tiếp cận các ngành nghề mới phù hợp.
Như vậy chính quyền địa phương phải là “đầu tàu” trong việc hỗ trợ sinh kế cho người dân?
- Ở đâu cũng vậy, chính quyền địa phương đóng vai trò rất quan trọng. Người dân đến khu TĐC sau khi bị thu hồi đất thì chính quyền địa phương phải phối hợp với các doanh nghiệp đầu tư ở đó, kết hợp với các cơ quan chức năng liên quan có phương án tạo việc làm, tổ chức cho những người còn đủ tuổi lao động được học nghề mới. Theo tôi, việc này cần thiết đặt dưới sự giám sát của MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn. Ngoài ra, cũng nên tổ chức các đoàn giám sát để tìm hiểu về nhu cầu, khả năng của người dân sau đó có báo cáo đề nghị địa phương nghiên cứu, xây dựng các phương án, mô hình sản xuất phù hợp, đúng cách nhằm tạo sinh kế bền vững, lâu dài cho họ.
Trân trọng cảm ơn ông!