Kinh tế

Hỗ trợ tài chính đối với những hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời

Nam Anh 27/07/2025 09:41

Bộ Công thương đề xuất hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu thụ và hệ thống lưu trữ điện sẽ được hỗ trợ tài chính tối đa 2,5 triệu đồng; vay vốn 35 triệu đồng.

anhdienmattroi1.jpeg
Hỗ trợ tài chính đối với những hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời. Ảnh: Hạ Lan.

Không vượt quá 2,5 triệu đồng/hộ gia đình và được vay ưu đãi

Bộ Công thương đang lấy ý kiến cho dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình lắp điện mặt trời tự sản, tự tiêu thụ và hệ thống lưu trữ điện. Cụ thể, Bộ Công thương đề xuất hộ gia đình lắp hệ thống điện mặt trời tự sản, tự tiêu được hỗ trợ tiền đầu tư với định mức tối đa là 500.000 đồng cho 1 kWp tổng công suất định mức của các tấm quang điện lắp đặt trong hệ thống (các tấm pin mặt trời). Mức hỗ trợ không vượt quá 2,5 triệu đồng/hộ gia đình.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất, hệ thống điện mặt trời hộ gia đình còn được hỗ trợ lãi suất vay thương mại để đầu tư. Cụ thể, hộ gia đình sẽ được áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam theo quy định tại khoản 2 điều 13 Thông tư số 39/2016 của Ngân hàng Nhà nước. Thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 3 năm kể từ ngày bắt đầu giải ngân khoản vay theo hợp đồng với ngân hàng. Dự thảo cũng quy định hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa là 7 triệu đồng cho 1 kWp tổng công suất định mức của các tấm quang điện lắp đặt trong hệ thống, nhưng không vượt quá 35 triệu đồng.

Theo Bộ Công thương, nguồn kinh phí hỗ trợ tài chính nêu trên được cân đối trong nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương. Hàng năm, UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh xem xét quyết định cụ thể mức hỗ trợ tài chính, bảo đảm phù hợp với nguồn ngân sách của tỉnh và nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời hộ gia đình trên địa bàn. Ngoài ra, hộ gia đình lắp điện mặt trời mái nhà cũng được hỗ trợ về kỹ thuật. Dự thảo quy định, hệ thống điện mặt trời hộ gia đình được hỗ trợ về kỹ thuật trong quá trình đầu tư, lắp đặt và vận hành khai thác khi chủ hộ có đề nghị. Nội dung bản dự thảo cũng thể hiện, trường hợp chủ hộ có nhu cầu bán sản lượng điện dư của hệ thống điện mặt trời hộ gia đình lên lưới điện, đơn vị điện lực tại địa phương phối hợp lắp đặt hoặc thay thế hệ thống đo đếm điện năng 2 chiều phù hợp với công suất đấu nối của hệ thống điện mặt trời hộ gia đình với lưới điện. Hướng dẫn các thủ tục và các quy định có liên quan để ký kết hợp đồng mua bán sản lượng điện dư với chủ hộ.

Nên tăng mức hỗ trợ tài chính

Giới chuyên gia môi trường nhận định, các tấm pin mặt trời là không sử dụng diện tích đất; chỉ đấu nối vào hệ thống lưới phân phối (chủ yếu lưới hạ áp) đã có sẵn của ngành điện, do đó không phải đầu tư xây dựng thêm lưới từ 110 kV trở lên; bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và không ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất tại địa phương. Việc thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà là giải pháp nhanh chóng và hiệu quả trong thời điểm này. Hiện cả nước có khoảng 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất hơn 9.500 MW. Theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, mục tiêu đến năm 2030 là 50% tòa nhà công sở và 50% hộ dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Tổng công suất nguồn điện mặt trời tập trung dự kiến đạt khoảng 46.459-73.416 MW.

Chia sẻ dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Việt - Tổng Giám đốc Công ty CP Vinasol nêu quan điểm, đề xuất hỗ trợ này nhằm thúc đẩy nguồn năng lượng điện mặt trời mái nhà theo hình thức tự sản xuất, tự tiêu thụ nhằm ứng phó với nguy cơ thiếu điện. Nếu nhiều hộ gia đình tự đầu tư điện mặt trời để dùng, đặc biệt là các hộ sản xuất kinh doanh có nhu cầu tiêu thụ điện trong ngày cao, thì áp lực thiếu điện, áp lực đầu tư nguồn lớn… sẽ giảm đi rất nhiều. Và nếu cơ chế hiệu quả, sẽ thúc đẩy người dân chung tay với nhà nước phát triển nguồn năng lượng sạch giúp giảm phát thải, tiến đến net zero vào năm 2050.

Liên quan tới việc thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, các hộ gia đình gồm người lớn cũng như trẻ nhỏ thường ra khỏi nhà vào ban ngày, cuối giờ chiều và tối mới về nhà. Mà hiện mức giá pin lưu trữ lúc này đang rất cao, một hệ thống nhỏ cũng lên cả trăm triệu đồng. Trong khi đó, mức hỗ trợ không vượt quá 2,5 triệu đồng cho toàn bộ hệ thống của một hộ gia đình, hỗ trợ vay tối đa 35 triệu đồng/hộ… Mức hỗ trợ tài chính này còn thấp, sẽ khó thu hút và khuyến khích các hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời mái nhà, sử dụng hệ thống lưu trữ điện mặt trời. Do vậy nên tăng mức hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình theo phương thức tính theo phần trăm trên tổng mức đầu tư của hộ gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỗ trợ tài chính đối với những hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời