Hỗ trợ vốn, chuyển đổi nghề cho ngư dân

H. Vũ 06/07/2016 08:20

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp với báo chí xung quanh việc hỗ trợ cho ngư dân tại 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại do Formosa xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm khiến cá chết hàng loạt.

Hỗ trợ vốn, chuyển đổi nghề cho ngư dân

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp.

PV: Thưa ông, được biết Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng chính sách hỗ trợ sinh kế cho ngư dân tại 4 tỉnh miền Trung gặp phải sự cố ô nhiễm môi trường. Nội dung cụ thể của đề án này là như thế nào?

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Trước khi có thông tin Formosa bồi thường 500 triệu USD, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đã đến khảo sát làm việc với các tỉnh bị thiệt hại. Làm việc với các tỉnh, cái quan trọng nhất vẫn là sinh kế của người dân; thống nhất với các tỉnh cần có đề án tổng thể về dạy nghề, việc làm, xuất khẩu lao động.

Trước hết về xuất khẩu lao động, hiện nay có một số chương trình với chi phí thấp do Bộ LĐTBXH trực tiếp triển khai, một số chương trình do các doanh nghiệp triển khai. Đó là các chương trình gồm thứ nhất là Chương trình EPS đi Hàn Quốc mới ký kết lại từ đầu tháng 5/2016.

Chương trình này chỉ tiêu không nhiều lắm, năm nay là 3.500 người nhưng sẽ dành ưu tiên cho những huyện ven biển bị ảnh hưởng. Một số huyện hiện đang có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao cũng nằm trong những tỉnh bị ảnh hưởng thì trước mắt Bộ sẽ dỡ bỏ lệnh hạn chế cho lao động các vùng này được tham gia.

Thứ hai là chương trình IM Japan Nhật Bản cũng có chi phí thấp, những người lao động tham gia chương trình này nếu có đủ điều kiện về sức khỏe, ngoại ngữ sẽ được học trong vòng 6 tháng, tất cả chi phí do Tổ chức IM Japan chi trả. Lương làm việc tại Nhật khoảng 800-1000 USD/tháng. Mỗi một năm làm việc trước khi về nước được tổ chức IM Japan hỗ trợ 2.000 USD/năm, ba năm là 6.000 USD.

Chương trình này hiện nay đang chia đều cho các địa phương nhưng sắp tới Bộ có thể ưu tiên hỗ trợ cho các địa phương này. Ngoài ra, Bộ còn triển khai 2 chương trình nữa là Chương trình đưa điều dưỡng viên đi Nhật và đưa điều dưỡng viên đi Đức. Các chương trình này cũng đào tạo miễn phí với điều kiện là những ngời tham gia có bằng cử nhân hoặc cao đẳng điều dưỡng, con em của những huyện này đáp ứng điều kiện đó mà có mong muốn tham gia thì Bộ sẽ hỗ trợ.

Như vậy, 4 chương trình lớn mà Bộ đang triển khai thì sẽ ưu tiên cho các huyện bị ảnh hưởng. Với các chương trình do doanh nghiệp làm thì Bộ sẽ yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước mời các doanh nghiệp có uy tín, triển khai tốt để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.

Đây có thể tính đến mấy hướng, thứ nhất là đối với Hàn Quốc, ngoài Chương trình EPS thì còn có chương trình tàu cá gần bờ, ví như năm nay có khoảng 600 người đi Hàn Quốc được phân bổ cho 8 doanh nghiệp đang làm. Bộ sẽ yêu cầu 8 doanh nghiệp tập trung hỗ trợ 4 tỉnh miền Trung và giao cho Trưởng ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đàm phán với đối tác.

Với chương trình tàu cá gần bờ với Đài Loan, hiện Bộ đang triển khai tuyển dụng trực tiếp không qua môi giới, thông qua doanh nghiệp để giảm thiểu chi phí cho người lao động. Sẽ yêu cầu Trưởng Ban quản lý tại Đài Loan làm việc với các đối tác tăng quota để đưa lao động sang làm việc với điều kiện người lao động đáp ứng các điều kiện về mặt sức khỏe, có mong muốn đi làm việc tại đó.

Ước tính sơ bộ thì hiện nay có khoảng 263.000 lao động đang bị ảnh hưởng bởi sự cố Fomosa gây ra. Trong đó, 100 nghìn lao động bị ảnh hưởng trực tiếp,163 ngàn lao động bị ảnh hưởng gián tiếp. Mong muốn của chúng tôi là không phải chuyển đổi toàn bộ số lao động này sang nghề khác, bởi những người dân ở vùng biển phải sống được từ nguồn lợi từ biển, sinh kế từ biển. Có thể trong thời gian trước mắt, 1 vài năm làm công việc tương tự tại vùng biển khác sau đó sẽ quay trở lại.

Về mặt chính sách, chúng tôi cũng sẽ trình Chính phủ cho phép những lao động nào thuộc hộ nghèo bị ảnh hưởng thì áp dụng cơ chế miễn phí đào tạo giáo dục định hướng, đào tạo ngoại ngữ, được hỗ trợ tiền ăn, ở, cấp tiền đi lại trong thời gian đi học. Đối với những lao động khác không thuộc hộ nghèo thì chúng tôi cũng có thể đề nghị áp dụng như Nghị quyết 61 năm 2015 đối với lao động bị thu hồi đất.

Liên quan đến thống kê hiện nay có khoảng 118 nghìn tàu đánh cá tham gia khai thác thủy hải sản, trong đó có khoảng 1 triệu lao động chưa qua đào tạo nghề. Vậy Bộ LĐTBXH đã tham mưu cho Chính phủ như thế nào đối với số lao động này trong đề án, thưa ông?

- Thống kê về số tàu cá là của Bộ NNPTNT, còn về số lượng lao động như đã nói theo thống kê sơ bộ của Bộ LĐTBXH thì có khoảng 100 nghìn lao động bị ảnh hưởng trực tiếp, 163 nghìn lao động gián tiếp. Trong cuộc làm việc ngày 4-7 với Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám, chúng tôi thấy cần 2 nhóm giải pháp để triển khai.

Thứ nhất, đối với số lao động hiện nay đang đánh bắt gần bờ chuyển sang đánh bắt xa bờ thì đào tạo như thế nào, cho vay vốn ra sao do Bộ NNPTNN sẽ chịu trách nhiệm.

Thứ hai, về sinh kế và những mặt khác như: dạy nghề, xuất khẩu lao động, việc làm thì do Bộ LĐTBXH sẽ triển khai. Được biết Bộ NNPTNT cũng đang dự kiến trình Chính phủ cho phép các hộ dân được vay vốn, hỗ trợ lãi suất và cải tạo máy, tăng công suất và những chính sách đó sẽ được chính sách hỗ trợ.

Vậy Bộ LĐTBXH đề xuất chuyển đổi nghề nghiệp nào để phù hợp với ngư dân tại đây và kinh phí chuyển đổi từ nguồn nào?

-Trước hết là việc đào tạo nghề, việc làm, xuất khẩu, những mảng do Bộ LĐTBXH phụ trách vẫn là những chính sách thường xuyên. Chúng ta đã có những chương trình dạy nghề, việc làm và xuất khẩu lao động.

Trước đây những chương trình này là chương trình mục tiêu quốc gia và sắp tới sẽ trình Thủ tướng, vẫn có kinh phí để bố trí. Những chính sách ưu đãi xuất khẩu lao động đối với hộ nghèo, những người bị thu hồi đất đều đã có cả rồi. Chỉ có điều trước đây không phải tất cả ngư dân các huyện thuộc 4 tỉnh đều thuộc đối tượng nghèo, bây giờ bị mất sinh kế họ trở thành người nghèo nên nguồn kinh phí hỗ trợ cần nhiều hơn.

Trước đây, người ta có thể bám biển, có nguồn lợi từ biển nhưng hiện nay không có nguồn lợi từ biển thì nguồn dự trữ quốc gia về hỗ trợ việc làm cũng phải tập trung để hỗ trợ họ. Các chính sách đã có, chỉ có điều là nguồn lực cần phải tăng cường vì số lượng đối tượng được hỗ trợ tăng lên.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỗ trợ vốn, chuyển đổi nghề cho ngư dân