Hòa Bình: 500 học sinh không có chỗ học, cần sớm giải quyết, làm rõ trách nhiệm

Thành Dân - Hoàng Sa 10/02/2023 09:00

Sự việc 500 học sinh của Trường phổ thông liên cấp Sao Mai Hòa Bình đứng trước sự “bấp bênh” vì không có địa điểm học tập ổn định đang được phụ huynh và dư luận quan tâm, lo lắng. Tuy nhiên, các cơ quan hữu quan chưa đưa ra được những quyết sách và giải pháp. Điều này khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn về trách nhiệm giải quyết và xử lý với những cá nhân, tổ chức dẫn đến hệ lụy.

Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc có trụ sở tại phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình (Trường CĐ VHNT Tây Bắc) cho Công ty cổ phần Điện tử - Viễn thông Thành Biên (Cty Thành Biên) thuê địa điểm để tổ chức hoạt động giáo dục tư thục. Cty Thành Biên thành lập Trường phổ thông liên cấp Sao Mai Hòa Bình, tiến hành tuyển sinh, đào tạo giáo dục liên cấp học.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) đã kiểm tra, xác định Trường CĐ VHNT Tây Bắc chưa thực hiện đúng quy định của Nhà nước và Bộ VHTTDL về việc quản lý, sử dụng tài sản công nên đã yêu cầu chấm dứt việc sử dụng tài sản công sai mục đích. Hiện nay, giữa Trường CĐ VHNT Tây Bắc và Cty Thành Biên đã chấm dứt hợp đồng thuê địa điểm, thực hiện thanh lý hợp đồng với điều kiện Trường liên cấp Sao Mai Hòa Bình chỉ được tổ chức hoạt động giáo dục đến ngày 31/1/2023.

Việc cấp phép thành lập trường, cấp phép tuyển sinh đào tạo cho hoạt động giáo dục tư thục khi không có cơ sở vật chất có đúng quy định?

Ông Nguyễn Minh Cường, Quyền Hiệu trưởng Trường CĐ VHNT Tây Bắc cho biết, Nhà trường đã thanh lí hợp đồng cho thuê trụ sở với Cty Thành Biên và theo hợp đồng thì đến hết ngày 31/1/2023 họ phải bàn giao cơ sở vật chất, chuyển địa điểm đến nơi khác nhưng đến nay chưa thể thực hiện.

Ông Cường cho biết: Hiện Cty Thành Biên vẫn còn nợ khoảng 200 triệu đồng tiền thuê trụ sở trước đó. Tuy nhiên, với lý do chưa tìm được địa điểm để di chuyển nên Cty Thành Biên có xin Trường CĐ VHNT Tây Bắc “linh động” cho lùi lại vài tháng để tìm địa điểm.

Theo ông Cường, khi Cty Thành Biên có ý kiến thì Trường CĐ VHNT Tây Bắc cũng sẽ báo cáo Bộ VHTTDL và nếu được sự đồng ý cho công ty này sử dụng địa điểm đến hến năm học 2022 - 2023 thì cũng không biết sẽ phải tính chi phí ra sao.

“Việc thanh lý hợp đồng cho thuê không thực hiện được nhưng nếu được phép cho họ sử dụng để giảng dạy đến hết năm học thì cũng không biết phải thu phí như thế nào, bởi thu phí cũng không đúng và cho họ sử dụng mà không thu phí cũng không đúng theo quy định…”, ông Cường nói.

Việc học tập của 500 học sinh, giảng dạy của hàng trăm giáo viên, tâm lý của các bậc phụ huynh vẫn còn lơ lửng, chơi vơi. Trong khi đó, Cty Thành Biên được cho là đã khó có đủ năng lực khi không có địa điểm xây dựng trường, vẫn còn nợ chi phí thuê địa điểm và chi phí giảng dạy…

Đến nay, về phía Bộ VHTTDL đã có văn bản chỉ đạo chấm dứt việc cho thuê tài sản công trái quy định, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu và thanh tra làm rõ những hoạt động liên quan, số tiền hàng tỷ đồng từ hoạt động cho thuê trụ sở công trái quy định cũng sẽ được làm rõ. Tuy nhiên, dư luận không khỏi đặt ra những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của tổ chức/cá nhân, trách nhiệm giải quyết trong việc đảm bảo những điều kiện theo quy định về cấp phép thành lập trường và cấp phép tuyển sinh đào tạo của cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết những vướng mắc để đảm bảo việc dạy và học đối với 500 học sinh. Một đơn vị thành lập trường tư thục liên cấp không có cơ sở vật chất sẽ được cấp phép thành lập, cấp phép tuyển sinh đào tạo và cấp văn bằng chứng chỉ cho học sinh ra sao?

Để có thông tin rõ hơn tới bạn đọc, ổn định môi trường học tập, tâm lý cho 500 học sinh liên cấp và các bậc phụ huynh của Trường phổ thông liên cấp Sao Mai Hòa Bình, ngày 5/1/2023 Báo Đại Đoàn Kết gửi đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình thông tin về những chỉ đạo, giải pháp và một số vấn đề:

Khả năng, năng lực và trách nhiệm của Cty Thành Biên trong việc bố trí, khắc phục để đảm bảo hoạt động giáo dục đối với 500 học sinh liên cấp? Trong trường hợp Cty Thành Biên không bố trí được địa điểm giảng dạy đáp ứng đúng tiêu chuẩn, quy định thì UBND tỉnh, ngành giáo dục và các đơn vị liên quan sẽ có giải pháp, phương án xử lý như thế nào? Cty Thành Biên phải chịu trách nhiệm ra sao?

Việc cấp phép thành lập; cấp phép hoạt động tuyển sinh, đào tạo đối với Trường phổ thông liên cấp Sao Mai Hòa Bình được dựa trên những căn cứ, cơ sở nào? Có đúng và đảm bảo những quy định của pháp luật? Trách nhiệm đối với tổ chức/cá nhân về việc cấp phép sai (nếu có)?

Trường liên cấp Sao Mai Hòa Bình có hàng trăm cán bộ, giáo viên giảng dạy và Cty Thành Biên đang còn nợ lương/thù lao giảng dạy lên tới hàng tỷ đồng; Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình cũng đã thực hiện công tác kiểm tra hoạt động của Trường phổ thông liên cấp Sao Mai Hòa Bình, đề nghị thông tin về vấn đề này…

Liên quan đến những nội dung trên, ngày 12/1/2023 Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành văn bản thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Chương, giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp cung cấp thông tin theo đề nghị của Báo Đại Đoàn Kết. Tuy nhiên, bà Bùi Thị Kim Tuyến với lý do “đầu năm nhiều việc” nên chưa thể thông tin và đã giao cho phòng chuyên môn thực hiện theo nội dung báo đề nghị.

Điều kiện thành lập trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (gọi chung là trường trung học) công lập; cho phép thành lập trường trung học tư thục (tại Điều 25 Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ Quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục) thể hiện: Đề án thành lập trường xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy; nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hòa Bình: 500 học sinh không có chỗ học, cần sớm giải quyết, làm rõ trách nhiệm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO