Tỉnh Hòa Bình được định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tăng cường đầu tư hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm tại khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, du lịch được định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tăng cường đầu tư hạ tầng phục vụ dịch vụ, du lịch; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tại khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình. Phát triển du lịch văn hóa, trải nghiệm đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số; du lịch văn hóa tín ngưỡng, tâm linh; dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các khu nghỉ dưỡng cao cấp. Ưu tiên xây dựng sân golf và bất động sản gắn với sân golf.
Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và phát triển dịch vụ, du lịch. Tăng cường quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu về tài nguyên, tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình; chú trọng công tác tổ chức các sự kiện du lịch và các hoạt động liên kết để hình thành các tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng.
Theo quy hoạch, Hòa Bình có nhiều vùng có tiềm năng, được định hướng phát triển một số lĩnh vực du lịch như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch lịch sử-văn hóa. Cụ thể:
Vùng huyện Cao Phong có tiềm năng để phát triển kinh tế đa dạng về nông – lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch.
Vùng huyện Kim Bôi ưu tiên phát triển du lịch với tiềm năng thiên nhiên phong phú đặc biệt là tài nguyên nước khoáng thiên nhiên, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chuyên canh, lâm nghiệp.
Huyện Đà Bắc là vùng động lực phát triển du lịch sinh thái cấp quốc gia, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí, sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, vùng sản xuất xanh và bảo tồn thiên nhiên.
Vùng huyện Mai Châu phát triển thương mại - dịch vụ, nông lâm nghiệp thủy sản giá trị cao, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng xanh, bền vững, bản sắc văn hóa dân tộc Thái và dân tộc Mông, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao, thích ứng với xu thế hội nhập quốc tế, với biến đổi khí hậu.
Vùng huyện Lạc Sơn phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo tập trung, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá, chữa bệnh… gắn với bản sắc văn hóa dân tộc Mường và Nền văn hóa Hòa Bình.
Ngành dịch vụ, trong đó có du lịch, chiếm tỷ lệ hơn 33% tổng sản phẩm của Hòa Bình. Theo Cục Thống kê tỉnh, năm 2022, tổng sản phẩm ước đạt hơn 32.680 tỷ đồng, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản 22,71%; công nghiệp-xây dựng 38,97%; dịch vụ 33,18%; thuế sản phẩm 5,14%. Khách du lịch đạt 3 triệu lượt, tổng thu du lịch khoảng 3.100 tỷ đồng.