Mặt trận

Hòa Bình: Hơn 3.500 hộ cần được hỗ trợ về nhà ở

Đại Hùng 19/11/2023 17:44

Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn năm 2022 - 2023, toàn tỉnh Hòa Bình còn 27.091 hộ nghèo (chiếm 12,29% dân số). Nhiều người dân còn gặp khó khăn trong cuộc sống, cần được hỗ trợ về mọi mặt, trong đó có 3.556 hộ cần hỗ trợ về nhà ở.

Trong những năm qua, Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình, Ban vận động Quỹ "Vì người nghèo” tỉnh Hòa Bình đã tích cực, chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai nhiều nội dung, giải pháp, cách làm hiệu quả nhằm huy động tối đa nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo; phối hợp chính quyền trong việc kêu gọi, huy động các tầng lớp nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, toàn xã hội cùng chăm lo, giúp đỡ người nghèo cải thiện cuộc sống nhằm cụ thể hóa phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tuy nhiên, đến nay một bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn trong cuộc sống. Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn năm 2022 - 2023, toàn tỉnh Hòa Bình còn 27.091 hộ nghèo (chiếm 12,29% dân số), trong đó còn 3.556 hộ cần được hỗ trợ về nhà ở.

z4895125749751_27986d1108c8bca1f5788d8fcbad15b6.jpg
Đến nay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình vẫn còn hơn 3.500 hộ cần được hỗ trợ về nhà ở.

Thông tin từ Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình được biết, tính từ năm 2021 đến tháng 9/2023, Quỹ "Vì người nghèo” tỉnh tiếp nhận trên 80,1 tỷ đồng. Ban quản lý quỹ đã hỗ trợ xây nhà ở cho hộ nghèo từ năm 2021 đến tháng 9/2023 được 1.255 nhà ở (trị giá trên 44,5 tỷ đồng); sửa 147 nhà ở (trị giá 1,69 tỷ đồng). Từ ngày 1/1 - 20/10/2023, có 53 tập thể, 3 cá nhân ủng hộ tiền mặt và chuyển tiền vào tài khoản quỹ với tổng số tiền trên 2,1 tỷ đồng; xây dựng được 269 nhà, sửa 6 nhà.

Theo ông Trần Đức Trướng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình, trước thực tế nguồn kinh phí vận động còn hạn hẹp, tính đến thời điểm hiện tại, mỗi năm tỉnh chỉ hỗ trợ xây dựng được 300 - 500 căn nhà cho hộ nghèo. Các mô hình giảm nghèo bền vững còn ít, hộ nghèo chưa có nguồn vốn để phát triển sản xuất. Thu nhập chính của hộ nghèo dựa chủ yếu vào nông nghiệp nên đời sống còn khó khăn. Công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo còn phải điều chỉnh thay thế hộ nhiều lần do một bộ phận hộ gia đình thiếu tài chính, ốm đau hoặc chưa được tuổi làm nhà… nên việc bàn giao nhà cũng chưa đáp ứng về tiến độ. Bên cạnh đó, công tác tổng hợp số liệu, hoàn thiện chứng từ của một số huyện còn chậm do cán bộ theo dõi tổng hợp quỹ là cán bộ kiêm nhiệm, không được đào tạo về nghiệp vụ kế toán.

Hiện nay, quỹ còn dư trên 10,9 tỷ đồng (cấp tỉnh trên 4,3 tỷ đồng; các huyện, thành phố trên 2,6 tỷ đồng; cấp xã trên 3,9 tỷ đồng) nhưng nguồn quỹ dư này không tập trung nên việc hỗ trợ xây dựng nhà gặp khó khăn. Kinh phí còn lại chủ yếu để hỗ trợ thăm hỏi, động viên người nghèo dịp lễ, Tết; hỗ trợ học sinh học tập, hỗ trợ cây, con giống, tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn; tặng quà nhân dịp Tết Thiếu nhi 1-6, Tết Trung thu…

Trong Tháng cao điểm "Vì người nghèo” năm nay (từ ngày 17/10 - 18/11), Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và Ban vận động Quỹ "Vì người nghèo” tỉnh đã xây dựng kế hoạch; chỉ đạo, hướng dẫn MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên vận động nhân dân tham gia đóng góp quỹ; phối hợp rà soát hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh; kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ người nghèo và ủng hộ xây nhà Đại đoàn kết…

Theo đánh giá cơ bản, các đối tượng nghèo được hỗ trợ từ nguồn quỹ đã ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, xóa đói, giảm nghèo ở địa bàn dân cư, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững.

Thời gian tới, Ban quản lý quỹ "Vì người nghèo”, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp tiếp tục chủ động triển khai thực hiện phong trào. Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận trong việc chăm lo, giúp đỡ người nghèo, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thực hiện chương trình an sinh xã hội và mục tiêu giảm nghèo của tỉnh. Tăng cường đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương thức vận động, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng Quỹ "Vì người nghèo” nhằm thu hút ngày càng cao sự hưởng ứng của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân. Rà soát, nắm chắc số lượng, hoàn cảnh cụ thể của từng nhóm đối tượng. Đa dạng hoá hình thức hỗ trợ, ưu tiên hỗ trợ phù hợp với khó khăn thực tế gắn với tiêu chí nghèo đa chiều, trong đó chú trọng hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, sinh kế. Thực hiện nghiêm túc quy chế quản lý quỹ, thường xuyên kiểm tra việc quản lý, vận động, sử dụng quỹ "Vì người nghèo”, bảo đảm việc hỗ trợ cho người nghèo công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình, gương "người tốt, việc tốt” trong ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội của tỉnh.

Cũng theo ông Trường, để có thêm nguồn lực triển khai, thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị Ban vận động quỹ "Vì người nghèo” Trung ương phân bổ kinh phí về địa phương để hỗ trợ 3.156 căn nhà cho người nghèo của tỉnh. Trong thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức thành viên của MTTQ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng tham gia giúp đỡ người nghèo, cộng đồng nghèo; ủng hộ quỹ "Vì người nghèo” các cấp và chương trình an sinh xã hội, thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua "Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hòa Bình: Hơn 3.500 hộ cần được hỗ trợ về nhà ở

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO