Thực hiện công tác bình đẳng giới, hỗ trợ và giải quyết những vấn đề cấp thiết cho trẻ em, giúp phụ nữ vươn lên, liên kết làm kinh tế là một trong những nội dung được thực hiện đạt hiệu quả mà tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo thực hiện nhờ chính sách và nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719).
Tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều nội dung, phần việc nhằm góp phần tích cực, thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS: Nội dung 1 về hoạt động tuyên truyền vận động thay đổi nếp nghĩ cách làm, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em, kinh phí 42,976 tỷ đồng. Nội dung 2, xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em kinh phí 24,660 tỷ đồng. Nội dung 3, đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị, kinh phí 13,748 tỷ đồng. Nội dung 4, trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng, kinh phí 3,696 tỷ đồng.
Qua đó, năm 2022 – 2023, tỉnh Hòa Bình đã phân bổ 29,554 tỷ đồng vốn sự nghiệp để thực hiện 04 nội dung và tỉnh Hòa Bình đang tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc trong thực tế thực hiện, đẩy nhanh tiến độ thực hiện để đạt được mục tiêu từng bước nâng cao kiến thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Bên cạnh đó, dưới sự quan tâm và hỗ trợ của các cấp chính quyền phụ nữ dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình đã mạnh dạn tham gia phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống cho bà con vùng miền núi dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Từ những chỉ đạo, thực hiện Chương trìnhcác lớp tập huấn nhằm hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ cho phụ nữ thông qua các buổi tập huấn, đào tạo như: Thực hiện cho các học niên nữ từ các huyện Cao Phong, Đà Bắc, Kim Bôi, Mai Châu, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Yên Thủy, Tân Lạc và xã Độc Lập đã được hướng dẫn triển khai nội dung ứng dụng KH - CN; hướng dẫn quy trình và thủ tục đăng ký tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm của HTX/tổ hợp tác, mô hình sinh kế và xây dựng thương hiệu sản phẩm; quản lý chất lượng sản phẩm của HTX, tổ hợp tác, mô hình sinh kế. Các hoạt động thương mại điện tử và tham gia sàn thương mại điện tử; các giải pháp Logistics (dịch vụ vận chuyển hàng hóa tối ưu nhất từ nơi sản xuất, cung cấp đến tay người tiêu dùng) và thanh toán điện tử; kỹ năng quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa dịch vụ; hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai hỗ trợ nhằm cung cấp các kiến thức và kỹ năng cho phụ nữ DTTS tỉnh Hòa Bình trong các tổ hợp tác, HTX… để phát triển sản xuất, kinh doanh, quản lý chất lượng cũng như quảng bá, kết nối thị trường.
Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2025, tỉnh Hòa Bình sẽ đạt được các chỉ tiêu cơ bản của Dự án 8 là: 343 Tổ truyền thông cộng đồng được thành lập và duy trì hoạt động; 115 Tổ tiết kiệm vay vốn thôn buôn; 38 Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 69 Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi được củng cố, thành lập mới tại cộng đồng; 168 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản được tổ chức tại các địa bàn đặc biệt khó khăn; 80 cán bộ nữ DTTS cấp huyện, cấp xã được nâng cao năng lực phù hợp; 19 tổ/nhóm sinh kế có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ (tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX)) ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và kết nối thị trường.
Trong thời gian tới, để hỗ trợ, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS, tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc, nhất là phụ nữ thoát nghèo như hoạt động ủy thác với ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn. Phối hợp tổ chức các lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật giúp phụ nữ DTTS và miền núi có kiến thức, kỹ năng tham gia phát triển kinh tế bền vững.