Cơ quan Công an huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình vừa phát hiện và bắt giữ 2 xe chở giun đất đang lưu thông trên tuyến Quốc lộ 6, thu giữ hơn 100 kg giun đất tươi. Tuy nhiên, tối ngày 27/8 đã thả người và phương tiện do chưa có chế tài xử lý cụ thể.
Chưa có chế tài xử lý nạn kích giun
Sáng 28/8, trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, lãnh đạo Công an huyện Cao Phong xác nhận, tối ngày 27/8, Công an huyện đã thả 2 đối tượng vận chuyển giun đất trên tuyến Quốc lộ 6 (đoạn qua địa phận huyện Cao Phong). Đồng thời, tiêu hủy tang vật là 100 kg giun đất do giun đã chết, có nguy cơ ô nhiễm môi trường.
“Riêng 2 đối tượng vận chuyển giun đất cùng phương tiện là 2 xe ô tô thì Công an huyện đã xin ý kiến tham mưu các cơ quan chuyên môn của huyện, tuy nhiên do chưa có chế tài nên chưa thể xử phạt hành chính đối với 2 trường hợp trên. Rất mong muốn các Bộ, Ban ngành Trung ương sớm có quy định để các địa phương có căn cứ xử lý”, lãnh đạo Công an huyện Cao Phong thông tin.
Trước đó, khoảng 11h30 ngày 27/8 tại km 89+300, Quốc lộ 6 (đoạn thuộc Khu 6, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong), tổ công tác của Ban chỉ đạo 389 huyện Cao Phong phát hiện xe ô tô Huyndai mang BKS: 50H- 071.07 do lái xe Hoàng Văn Khánh (SN 1966) trú tại xã Đặng Cương, huyện An Dương, tỉnh Hải Phòng điều khiển. Thấy biểu hiện nghi vấn, tổ công tác ngay lập tức tiến hành dừng xe, kiểm tra và phát hiện trên xe chở 10 thùng xốp chứa 32 kg giun đất tươi (giun đất tự nhiên). Lái xe không xuất trình được giấy tờ có liên quan chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng.
Tại cơ quan Công an, Hoàng Văn Khánh thừa nhận 32 kg giun đất tự nhiên mua của người dân không rõ tên, tuổi, địa chỉ và không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số giun đất tự nhiên trên.
Tiếp tục, khoảng 13h10 cùng ngày, tại km 90+100, Quốc lộ 6 (đoạn thuộc khu 7, thị xã Cao Phong, huyện Cao Phong), tổ công tác của Ban chỉ đạo 389 huyện Cao Phong tiến hành kiểm tra xe ô tô mang BKS: 28A-067.50 do lái xe Dương Sinh Quang (SN 1994) trú tại phường Thái Bình, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình điều khiển. Quá trình kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên ô tô có 70 kg giun đất tươi (giun đất tự nhiên), không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Tại Cơ quan Công an, Dương Sinh Quang khai bản thân làm nghề lái xe dịch vụ, ngày 27/8 được bà Trần Thị Hoa (SN 1969) trú tại xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình thuê chở vào địa phận huyện Cao Phong để đi thu mua giun đất tự nhiên của người dân đem bán.
Người dân bức xúc, mong sớm có chế tài xử lý “giun tặc”
Trao đổi với PV, ông Phạm Minh Thái - Chủ tịch Hiệp Hội trồng cam thị trấn Cao Phong cho biết: “Chúng tôi là những hộ dân trồng cam trên địa bàn huyện Cao Phong, bỏ rất nhiều công sức để gây dựng vườn cam và phải rất vất vả để đi trông nom vườn cam. Đáng lẽ, vườn cam là chủ quyền của chúng tôi không ai được xâm phạm. Thế nhưng, do “giun tặc” hoành hành nên từng ngày, từng đêm, chúng tôi phải thức trắng để bảo vệ những con vi sinh vật, nhất là giun đất, yếu tố vô cùng quan trọng để tăng sản lượng cho hoa màu, đặc biệt là cây cam Cao Phong”.
Theo ông Thái, khi nhận được thông tin Công an huyện Cao Phong bắt được những đầu nậu đi buôn giun, thu gom giun ở Cao Phong, người dân có tiếp cận xin ý kiến về việc xử lý những đối tượng này thì Công an huyện chưa có chế tài nào để xử phạt. Trong khi đó, bà con trồng cam vô cùng hoang mang, lo lắng, lòng như lửa đốt vì nạn kích giun.
Ông Thái cho rằng, những hộ trồng cam không thể chịu nổi tình trạng kích giun đất. Bà con mất công chăm sóc vườn cam, mất tiền của nhưng không thể bảo vệ vườn cam được. Các đối tượng kích trộm giun có thể đột nhập vào vườn chỉ 1 tiếng đồng hồ rồi rời khỏi vườn, rất khó theo dõi, phục kích.
Mỗi năm, người dân 3 lần bón chế phẩm để có vi sinh vật có lợi trong đất, rồi phân hữu cơ để có nhiều giun trong đất giúp cân bằng hệ sinh thái. Các đối tượng dùng kích điện kích giun như thế đã triệt hạ hoàn toàn hệ sinh thái trong đất. Khi đất bị hủy hoại, không thể khôi phục như trước được nữa. Hệ lụy của việc kích giun không lộ ra lập tức. Nhưng từ giờ đến cuối năm, những vườn cam bị kích giun như thế quả sẽ không đạt năng suất, khó đem bán, gây thiệt hại hàng chục, hàng trăm triệu đồng.
“Những con giun tại vườn có ích như vậy mà lại bị những đối tượng kích giun triệt hạ, người dân không thể làm gì được. Chúng tôi trông mong vào cơ quan chức năng nhưng cơ quan chức năng lại chưa có chế tài xử lý, đề nghị Công an huyện truy đến người bán, người thu mua, nếu chưa có chế tài thì phải tiến hành vận động thu hồi những dụng cụ kích giun. Đồng thời, yêu cầu các đối tượng kích giun đền bù thiệt hại cho các chủ vườn cam. Đặc biệt, rất mong muốn các Bộ, ban ngành Trung ương sớm ra chế tài xử lý thật nghiêm khắc để chấm dứt nạn “giun tặc” hoành hành, tạo điều kiện cho bà con yên tâm lao động, sản xuất” - ông Thái bày tỏ.
Ngày 21/8/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình cũng đã có văn bản số 3314 hướng dẫn nhận diện hành vi và chế tài xử lý liên quan đến việc kích giun đất. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình, hiện chưa có quy định cụ thể cũng như chế tài xử lý đối với hành vi dùng kích điện khai thác giun đất. Tuy nhiên, có thể căn cứ Điều 15 Nghị định 91 ngày 19/11/2019 của Chính phủ để xử phạt, trong trường hợp làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất.
Cũng trong đầu tháng 8/2023, Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát phát hiện và xử lý ngăn chặn hoạt động sử dụng kích điện đánh bắt giun đất. Ngay sau đó, lần lượt các tỉnh Vĩnh Phú, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Cạn... đã có văn bản tăng cường, ngăn chặn, xử lý tình trạng kích giun.