Người dân xã Cuối Hạ phản ánh thực trạng mỏ khoáng sản than Mường Vọ nằm trên địa bàn xã Cuối Hạ (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) vẫn đông nhân công khai thác than, dù đang trong thời gian thực hiện đề án đóng cửa mỏ. Để làm rõ hơn vụ việc, mới đây, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có buổi làm việc ông Bùi Duy Hưng – Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kim Bôi.
Theo ông Hưng, ngày 05/8/2021, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định số 1642/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản than Mường Vọ. Thời gian thực hiện đề án đóng cửa mỏ là 24 tháng (quyết định này có hiệu lực từ ngày ký). Kinh phí thực hiện đóng cửa mỏ là gần 1,1 tỷ đồng. Đề án đóng cửa mỏ được giao cho Công ty Cổ phần Khoáng sản Kim Bôi.
Theo quyết định đóng cửa mỏ do ông Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ký, đóng dấu, thì phần diện tích đóng cửa mỏ là 17,5 hecta gồm 2 khu vực, trong đó khu vực 1 có diện tích 6,7 hecta, khu vực 2 là 10,8 hecta. Khối lượng thực hiện theo đề án đã được hội đồng thẩm định đề án đóng cửa mỏ của UBND tỉnh Hòa Bình thẩm định và thông qua là 166.407m3 đất đá, sít hỗn hợp tại bãi thải được tận dụng, vận chuyển ra khỏi khu vực mỏ.
Theo đề án, mục đích đóng cửa mỏ là để quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; giao đất cho địa phương để quản lý theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan; phục hồi môi trường các khu vực đã khai thác…
Tuy nhiên, ngày 31/03/2022, cũng chính ông Liêm lại ký Quyết định số 10/GP-UBND, cấp giấy phép khai thác khoáng sản gồm đất, đá xít thải hỗn hợp khi đang trong thời gian thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản than Mường Vọ. Theo quyết đinh này, Công ty Cổ phần Khoáng sản Kim Bôi được khai thác đất, đá sít thải khi thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản than Mường Vọ. Diện tích khai thác là 1,6 hecta tại bãi. Khối lượng khai thác là 166.407m3 đất, đá sít thải.
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân sinh sống trên địa bàn xã Cuối lại bức xúc phản ánh, núp dưới danh nghĩa tận thu đất, đá xít thải trong quá trình thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản than Mường Vọ, phía Công ty Cổ phần Khoáng sản Kim Bôi liên tục huy động nhân công, máy móc khai thác than.
Ông N.V.H, một người dân sinh sống đã nhiều năm tại xã Cuối Hạ cho hay, những điểm mỏ cũ thường xuyên xuất hiện một nhóm nhân công dùng máy móc chuyên dụng như máy xúc, máy ủi… khoét sâu xuống lòng đất cả chục mét để khai thác than. Kế đó họ dùng máy xúc đưa than lên thùng xe tải vận chuyển về bãi tập kết dưới chân núi, trước khi đưa ra ngoài mỏ tiêu thụ.
Ông H còn cho biết, thực trạng khai thác than ở mỏ than Mường Vọ diễn ra nhiều tháng qua. Đáng lưu ý, dư luận còn cho rằng nhiều điểm khai thác than này có dấu hiệu vượt điểm cắm mốc ranh giới phạm vi được khai thác do UBND tỉnh Hòa Bình cấp, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường sống, mất cân bằng hệ sinh thái, ảnh hưởng tới những diện tích rừng trong khu vực.
Những người dân nơi đây còn cho rằng, việc làm trên của Công ty Cổ phần Khoáng sản Kim Bôi đang đi ngược lại với mục đích đóng cửa mỏ mà UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành trước đó. Đồng thời đề nghị chính quyền các cấp có biện pháp xử lý nghiêm, thường xuyên giám sát hoạt động đề án đóng cửa mỏ khoáng sản than Mường Vọ. Có được như vậy, thì đời sống bà con mới không bị ảnh hưởng, không bị ô nhiễm, mới thoát khỏi khói bụi, tiếng ồn của động cơ máy công nghiệp phát ra từ khai trường mỏ.
Trước những phản ánh nêu trên, ông Bùi Văn Thiển – Phó Chủ tịch UBND xã Cuối Hạ dẫn chúng tôi đi thực địa tại mỏ khoáng sản than Mường Vọ. Theo đó, cách không xa khu vực nơi Công ty Cổ phần Khoáng sản Kim Bôi dựng lán trại, nhà xưởng, máy móc công nghiệp, là những đống than đen óng, xen lẫn những ụ đất, đá sít thải.
Theo ông Thiển, hiện mỏ khoáng sản than Mường Vọ đang được Công ty Cổ phần Khoáng sản Kim Bôi cho nhân công dùng máy móc hạ cốt, cắt xén, hạ độ cao bờ mong… kết hợp tận thu đất, đá sít thải hỗn hợp như đã được cấp phép. Quá trình thi công nêu trên khiến nhiều người dân lầm tưởng mỏ khoáng sản than Mường Vọ vẫn hoạt động dù đã có quyết định đóng cửa.
Tuy nhiên, khi PV Báo Đại Đoàn Kết nêu câu hỏi “Trước khi thi công phía Công ty Cổ phần Khoáng sản Kim Bôi có tiến hành cắm mốc giới phạm vi đuộc phép khai thác và thông báo cho UBND xã Cuối Hạ và UBND huyện Kim Bôi để giám sát quá trình khai thác theo quy định”, thì ông Thiển trả lời không!
Trong khi đó, với những gì đang diễn ra tại mỏ khoáng sản Mường Vọ, ông Thiển thừa nhận có việc tận thu, tập kết than cám. Điều này không đúng với nội dung Quyết định số 1642/QĐ-UBND, 10/GP-UBND mà UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành trước đó.
Liên quan tới thực trạng đang diễn ra tại mỏ khoáng sản than Mường Vọ, trước những hình ảnh do PV Báo Đại Đoàn Kết cung cấp, ông Bùi Duy Hưng – Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kim Bôi, thừa nhận đó là than cám. Tuy nhiên, ông Hưng cho biết, phòng ban chức năng của huyện không được Công ty Cổ phần Khoáng sản Kim Bôi thông báo về lượng than khai thác được tại mỏ khoáng sản than Mường Vọ, nên không nắm được thông tin.
Và điều này là trái với Quyết định số 10/GP-UBND, do UBND tỉnh Hòa Bình ban hành ngày 31/03/2022. Theo ông Hưng, quyết định này nêu rõ "Khi thi công khai thác phải đảm bảo an toàn lao động, an toàn cho đất đai và các công trình liền kề, thực hiện đúng quy trình khai thác và áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường theo đề án đóng cửa mỏ. Trong quá trình khai thác nếu phát hiện khoáng sản khác (chỉ được phép tận thu đất đá, sít thải hỗn hợp) phải báo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật".
Gần 2 năm mới thực hiện được 30% khối lượng, tính xin gia hạn
Liên quan tới đề án đóng cửa mỏ khoáng sản than Mường Vọ do Công ty Cổ phần Khoáng sản Kim Bôi thực hiện, ông Bùi Duy Hưng – Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kim Bôi, cho biết, thời gian thực hiện đề án đóng cửa mỏ là 24 tháng (05/8/2021 – 05/8/2023). Nhưng tính tới thời điểm hiện tại, phía đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Khoáng sản Kim Bôi mới hoàn thành xử lý khoảng 30% khối lượng đất đá, sít thải hỗn hợp.
Vậy nên việc Công ty Cổ phần Khoáng sản Kim Bôi xin gia hạn thêm thời gian nhằm hoàn thành đề án đóng cửa mỏ khoáng sản than Mường Vọ là không thể tránh khỏi. Bởi theo quyết định phê duyệt, khối lượng đất đá, sít thải hỗn hợp mà phía đơn vị thi công phải vận chuyển, xử lý lên tới 166.407m3.
Ông Hưng tỏ ý lo ngại, khi mà thời gian ngắn nữa sẽ tới mùa mưa, điều này đồng nghĩa với tình trạng môi trường quanh mỏ khoáng sản than Mường Vọ, cũng như sức khỏe, đời sống người dân trong khu vực bị ảnh hưởng từ chính công trường kể trên. “Những bãi đất đá, sít thải hỗn hợp tại khu tập kết tại mỏ khoáng sản than Mường Vọ nếu không được vận chuyển ra khỏi khu vực mỏ, khi mùa mưa đến sẽ gây ảnh hưởng tới nguồn nước”, ông Hưng thẳng thắn thừa nhận.
Trong khi đó, nhiều người dân địa phương lại cho hay, hoạt động khai thác than khiến nước chảy từ khu vực mỏ xuống khe suối của thôn có lúc đen xì, lúc đỏ ngầu, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt và sức khoẻ.
Theo thông tin mà ông Hưng cung cấp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Khoáng sản Kim Bôi là ông Vũ Văn Hải. Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với ông Hải để làm rõ những vấn đề liên quan tới việc thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản than Mường Vọ, nhưng đều bất thành.
Còn tại khai trường mỏ khoáng sản than Mường Vọ, chúng tôi được công nhân, nhiên viên của Công ty Cổ phần Khoáng sản Kim Bôi thông tin, lãnh đạo của họ ở Sơn La, thi thoảng mới xuất hiện.
Trước thực trạng này, người dân Cuối Hạ mong mỏi chính quyền chức năng xã Cuối Hạ, chính quyền huyện Kim Bôi cũng như ban ngành chức năng tỉnh Hòa Bình sớm vào cuộc.
Liên quan tới vụ việc trên, ông Trần Tuấn Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết, đã tiến hành kiểm tra và báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình. Khi nào có thông tin cụ thể, ông sẽ lthông tin tới Báo Đại Đoàn Kết.