Hòa Bình: Nhiều công trình nước sạch nông thôn kém hiệu quả, lãng phí

Thành Dân - Hoàng Sa 26/04/2023 23:22

Các công trình nước sạch nông thôn được đầu tư bằng NSNN thuộc các chương trình MTQG, mục tiêu khác và vốn vay ODA được tỉnh Hoà Bình giao cho các đơn vị quản lý, khai thác không đúng quy định, vận hành kém hiệu quả, thậm chí bỏ hoang nhiều năm.

Thômg tin được biết, Thanh tra Bộ Tài chính tiến hành thanh tra và chỉ rõ việc các đơn vị được giao quản lý, khai thác các công trình nước sạch nông thôn được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về nhận nợ, trả nợ NSNN, trích khấu hao tài sản và quy định về hạch toán, mở sổ sách kế toán tại Kết luận số 1358/KL-TTr

Qua kiểm tra của Thanh tra Bộ Tài chính, UBND tỉnh Hòa Bình giao các công trình nước sạch cho đơn vị quản lý chưa đúng theo quy định dẫn đến việc triển khai thực hiện chưa theo đúng quy định của pháp luật.

Cụ thể, kiểm tra xác suất 13 quyết định của UBND tỉnh Hòa Bình giao Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh Môi trường Nông thôn quản lý, vận hành, khai thác các công trình nước sạch với giá trị hơn 194,5 tỷ đồng đều không quy định thời hạn, giá trị nhận nợ, thời điểm trả nợ.

Công trình nước sạch tại xóm Ngù, xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình vận hành kém hiệu quả, đã bỏ hoang nhiều năm.

Ngoài ra, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường Nông thôn không mở sổ sách theo dõi, không xây dựng phương án giá, thực hiện trích khấu hao công trình theo quy định ở toàn bộ các công trình được UBND tỉnh Hòa Bình giao quản lý.

Theo số liệu của Sở Tài chính Hòa Bình, giá trị khấu hao lũy kế đến 31/12/2021 của các công trình nước sạch được đầu tư bằng NSNN trên địa bàn là hơn 288,5 tỷ đồng. Thực tế toàn bộ các công trình nước sạch được đầu tư bằng NSNN trên địa bàn đã giao cho các đơn vị quản lý đều không thực hiện trích khấu hao theo quy định. Các công trình giao xã quản lý đều không được UBND tỉnh phê duyệt phương án giá bán nước dẫn đến thiếu nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng, xuống cấp, nhiều công trình không vận hành được hoặc vận hành kém hiệu quả, bỏ hoang nhiều năm.

Đối với công trình nước sạch đã giao các xã quản lý, gồm: Huyện Lạc Sơn không tổng hợp được giá trị của 42 công trình; huyện Tân Lạc không tổng hợp được giá trị của 5/33 công trình; huyện Kim Bôi không tổng hợp được giá trị của 47 công trình; huyện Lạc Thủy không tổng hợp được giá trị của 8 công trình; huyện Lương Sơn không tổng hợp được giá trị của 10 công trình, trong đó công trình nước sinh hoạt xã Cao Thẳng được UBND xã Cao Thắng (nay là xã Thanh Cao) bàn giao cho doanh nghiệp tư nhân không đúng quy định với số tiền 9,5 tỷ đồng; huyện Yên Thủy không tổng hợp được giá trị của 4 công trình; huyện Mai Châu không tổng hợp được giá trị của 12 công trình.

Người dân xóm Ngù, xã Hiền Lương (huyện Đà Bắc, Hòa Bình) phản ánh đường ống dẫn nước và đồng hồ bị hư hỏng do từ lâu không có nước sạch dùng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hòa Bình giao Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh Môi trường nông thôn quản lý vận hành 4 công trình vừa đầu tư hoàn thành bàn giao năm 2020-2021 nhưng năm 2022 đã đề nghị bù lỗ 107,277 triệu đồng/tháng/4 công trình.

Cụ thể, Công trình sử dụng nguồn nước trạm cấp nước thị trấn Hàng Trạm để cấp nước sinh hoạt cho các xã Yên Lạc, Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy (giao quản lý năm 2020, giá trị công trình hơn 26,7 tỷ đồng).

Công trình sử dụng nguồn nước trạm cấp nước xã Tử Nê để cấp nước sinh hoạt cho các xã Tử Nê, Mãn Đức, huyện Tân Lạc (giao quản lý năm 2021, giá trị công trình hơn 14,9 tỷ đồng).

Công trình mở rộng công trình nhà máy nước thị trấn Cao Phong để cấp nước cho các xã Tân Phong, Tây Phong, huyện Cao Phong (giao quản lý năm 2021, giá trị công trình hơn 14,9 tỷ đồng).

Công trình mở rộng công trình nhà máy nước thị trấn Lương Sơn để cấp nước sinh hoạt cho các xã Hòa Sơn, xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn (giao quản lý năm 2022, giá trị công trình hơn 113,7 tỷ đồng).

Do công trình nước sạch bỏ hoang, nhiều người dân xóm Ngù, xã Hiền Lương (huyện Đà Bắc) phải lắp đặt ống dẫn nước từ khe núi xuống để phục vụ sinh hoạt.

Theo các quyết định phê duyệt dự án đầu tư, 4 công trình nước sạch nêu trên được đầu tư đồng bộ, sử dụng nguồn nước các dự án thuộc chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn. Tuy nhiên, ngày 30/8/2022 Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có công văn gửi UBND tỉnh Hòa Bình về việc xem xét bù giá nước sạch nông thôn cho các công trình được nâng cấp và mở rộng, sử dụng nguồn nước từ những trạm cấp nước của Công ty Cổ phần Nước sạch Hòa Bình.

Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường Nông thôn ký kết hợp đồng mua bán nước sạch với Công ty Cổ phần Nước sạch Hòa Bình với giá 5.434 đồng/m3, cao hơn đơn giá UBND tỉnh phê duyệt từ các công trình nước sạch do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý vận hành là 4.554 đồng/m3, dẫn đến phải bù lỗ 107,277 triệu đồng/tháng/4 công trình.

Do đó, Thanh tra Bộ Tài chính kiến nghị UBND tỉnh Hoà Bình chấn chỉnh, khắc phục việc ban hành quyết định giao nhận các công trình nước sạch nông thôn tập trung cho các đơn vị quản lý. Tổ chức kiểm tra việc quản lý, khai thác vận hành, mở sổ sách theo dõi, hạch toán trích khấu hao tài sản, xây dựng phương án giá tại các đơn vị được giao quản lý, vận hành với các công trình nước sạch nông thôn, làm căn cứ xử lý theo quy định pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hòa Bình: Nhiều công trình nước sạch nông thôn kém hiệu quả, lãng phí

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO