Xã hội

Hóa giải cơn "khát" nước sạch - Bài 1: “Cắt” nước sạch, sử dụng nước giếng khoan

Phương Thanh 11/06/2024 09:32

Khi nhiều nhà máy nước mini không đủ năng lực để cấp nước sạch cho vùng nông thôn tại TP Hải Phòng, một bộ phận người dân tại huyện Tiên Lãng và Vĩnh Bảo đang quay trở lại sử dụng nước giếng khoan, khi chưa tìm được nguồn nước sạch khác thay thế.

anh1baitren.jpg
Gia đình ông Nguyễn Văn Cảnh quyết định bỏ nước sạch, sử dụng lại nguồn nước giếng khoan. Ảnh: Người dân cung cấp.

Khi nước sạch có... mùi

Sau hàng chục năm sử dụng nước máy từ Công ty cổ phần Phát triển nước sạch Hưng Đạo, từ tháng 5/2024, nhiều hộ dân tại xã Khởi Nghĩa (huyện Tiên Lãng) quyết định quay trở về dùng nước giếng khoan, nước mưa.

Ông Phạm Văn Đệ (thôn An Tử, xã Khởi Nghĩa) cho biết: "Nhà tôi dùng nước do Nhà máy nước Hưng Đạo cấp. Nước thường xuyên có mùi, thậm chí có vị mặn. Khi dùng để tắm, giặt, nhiều người bị ngứa ngáy, nổi mẩn”. Ông Đệ đã nhiều lần kiến nghị chính quyền giải quyết nhưng tình hình không được cải thiện nên đã quyết định quay trở lại dùng nước giếng khoan, nước mưa để sinh hoạt.

Cũng như ông Đệ, thời gian qua, ông Nguyễn Văn Cảnh (xóm 3, thôn An Tử) cùng nhiều người dân trong thôn đã quay lại dùng lại nước giếng khoan.

Theo thống kê của UBND huyện Tiên Lãng, tại xã Khởi Nghĩa, nhà máy nước Hưng Đạo hiện cung cấp cho 1.026 hộ dân, chiếm khoảng 58%. Số lượng hộ dân dùng nước từ nhà máy ngày càng giảm sau những phản ánh liên quan đến chất lượng nước. Riêng 3 thôn Ninh Duy 1, Ninh Duy 2, Ninh Duy 3 với khoảng 3.000 nhân khẩu (50% dân số xã Khởi Nghĩa) đã bỏ gần hết nước máy. Nhiều hộ dân chỉ đóng tiền duy trì nước máy phục vụ cho việc giặt giũ, tưới cây, rửa sân.

Không chỉ huyện Tiên Lãng, thời gian gần đây, nhiều gia đình tại xã Dũng Tiến (huyện Vĩnh Bảo) quay trở lại dùng nước giếng khoan. Mặc dù biết rằng nước giếng khoan chưa hợp vệ sinh nhưng hầu hết người dân lo sợ chất lượng cấp nước của một số nhà máy nước mini trên địa bàn chưa đảm bảo.

Theo người dân địa phương, Công ty TNHH Quang Sáng chỉ có 1 cơ sở nhà máy nước Dũng Tiến II, đặt tại xã Dũng Tiến. Thời gian đầu, nhà máy chỉ cấp nước cho các hộ dân tại địa phương và sau đó mở rộng vùng cấp nước ra các xã xung quanh của huyện Vĩnh Bảo như: xã Việt Tiến (7/10 thôn), xã Trung Lập (6/8 thôn) và xã Giang Biên. Nên có thể việc mở rộng diện cấp nước cũng có ảnh hưởng đến chất lượng cấp nước.

anh2baitren.png
Nước máy được cấp từ nhà máy nước Dũng Tiến II của Công ty TNHH Quang Sáng đến các hộ dân. Ảnh: Người dân cung cấp.

Nhiều mẫu nước sạch không đạt tiêu chuẩn

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Phạm Xuân Hòa - Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng cho biết: Công ty cổ phần Phát triển nước sạch Hưng Đạo đã hoạt động hơn 10 năm. Công suất nhà máy nước là 200m3/ngày đêm và hiện vẫn đang cung cấp nước cho người dân 3 xã: Quyết Tiến, Tiên Thanh, Khởi Nghĩa.

Huyện Tiên Lãng hiện có 18 nhà máy, trạm cấp nước đang hoạt động, thực hiện cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn 21 xã, thị trấn. Trong số đó, có 1 nhà máy nước do Phần Lan tài trợ, sử dụng nguồn nước ngầm. Còn lại, các nhà máy nước đều được triển khai theo Đề án nước sạch nông thôn của Hải Phòng, xây dựng trong giai đoạn 2005-2015, sử dụng nguồn nước mặt từ hệ thống kênh thuỷ nông và sông Thái Bình. Hiện, chỉ có 2 nhà máy nước hoạt động tốt, 5 nhà máy dừng hoạt động.

Tháng 8/2023, UBND huyện Tiên Lãng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Phát triển nước sạch Hưng Đạo do vi phạm quy định về việc cung cấp nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật.

Tương tự, nhà máy nước Dũng Tiến II của Công ty TNHH Quang Sáng hiện cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân huyện Vĩnh Bảo. Sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân liên quan đến chất lượng nước, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Vĩnh Bảo đã xác minh, lấy 2 mẫu nước sau xử lý tại xã Trung Lập, 1 mẫu tại xã Dũng Tiến gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hải Phòng để phân tích chất lượng. Kết quả, 2/3 mẫu nước của Công ty TNHH Quang Sáng không đạt tiêu chuẩn theo quy định với các chỉ tiêu vượt quá giới hạn cho phép. Do đó, tháng 3/2024, UBND huyện Vĩnh Bảo ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Công ty TNHH Quang Sáng số tiền 35 triệu đồng.

Theo đánh giá của các lãnh đạo địa phương, việc xử phạt hai doanh nghiệp trên nói riêng cũng như các nhà máy nước khác nói chung chỉ mang tính tạm thời. Phương án chuyển đổi vùng cấp nước, thay thế các nhà máy nước mini không đảm bảo mới là giải pháp căn cơ, lâu dài.

Theo báo cáo của Sở Y tế, trong tháng 12/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã thực hiện kiểm tra lấy mẫu nước thành phẩm của 55 nhà máy nước mini. Kết quả, khoảng 50% các mẫu nước không đạt chuẩn. Các mẫu lấy tại các huyện Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, Tiên Lãng và Thủy Nguyên có dấu hiệu bị nhiễm mặn. Tương tự, tháng 2/2024, có 4/6 mẫu nước lấy tại huyện Thủy Nguyên và huyện An Lão không đạt chuẩn. Trong tháng 3 và tháng 4/2024, 9/18 mẫu nước lấy tại huyện Thuỷ Nguyên, Vĩnh Bảo, Cát Hải không đạt chuẩn.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hóa giải cơn "khát" nước sạch - Bài 1: “Cắt” nước sạch, sử dụng nước giếng khoan