Những vụ án mạng, thậm chí là thảm án có nguyên nhân xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống xảy ra khiến dư luận không khỏi hoang mang. Đây không chỉ là hồi chuông cảnh báo tình trạng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, dẫn đến những hậu quả đau lòng mà còn là thách thức đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có giải pháp tổng thể để ngăn chặn, phòng ngừa.
Mặc dù vụ án thảm án kinh hoàng khiến 3 người trong 1 gia đình tử vong xảy ra cách đây 5 ngày khiến người dân thôn Tuấn Mỹ và cả xã Tân Thanh (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) bàng hoàng, xót xa. Ít ai ngờ rằng một vụ án “động trời” lại xảy ra nơi làng quê xưa nay vốn bình yên và hung thủ gây án chính là con, là anh của các nạn nhân.
Thảm án từ những mâu thuẫn nhỏ
Sự việc đau lòng bắt đầu từ việc sáng ngày 22/10/2021, chị Trần Thị T. (45 tuổi) sang nhà bố mẹ đẻ chơi thì gặp Trần Văn Hiếu (anh trai ruột của T. - vừa ra tù ngày 13/10/2021) đang ở nhà. Do có xích mích từ trước nên khi vừa gặp nhau, Hiếu nảy sinh mâu thuẫn, cãi vã với em gái. Vốn tính côn đồ, khi đang cãi nhau với T., Hiếu đã vơ lấy con dao dài lao tới chém nhiều nhát khiến em gái tử vong tại chỗ.
Chưa dừng lại, một lúc sau bà Bùi Thị T. (72 tuổi), mẹ đẻ của Hiếu về nhà lại xảy ra cãi vã với Hiếu. Bất ngờ Hiếu điên cuồng dùng dao chém mẹ mình tử vong. Sát hại mẹ xong, hắn dùng bao tải phủ lên thi thể mẹ rồi vào nhà ngồi ung dung như chưa có chuyện gì xảy ra.
Trưa cùng ngày, khi ông Trần Đình L. (72 tuổi), bố đẻ của Hiếu, vừa về tới sân nhà liền bị Hiếu xông ra chém tới tấp và tử vong tại chỗ.
Sau khi sát hại 3 người thân của mình, Hiếu điều khiển xe máy bỏ trốn lên tỉnh Lào Cai.
Trường hợp khác, Công an tỉnh Bình Thuận vừa tạm giữ đối tượng Nguyễn Văn Ngọc (39 tuổi), trú tại thôn 3, xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc) về hành vi giết người.
Theo đó, sáng 18/10, Nguyễn Văn Ngọc mang theo búa qua tiệm tạp hóa của nhà ông Bùi Văn Chính để hỏi mua đinh. Lúc này ông Chính và ông Nguyễn Văn Hoàn (42 tuổi) đang đánh cờ tướng tại bàn ghế đá trước tiệm tạp hóa. Tới nơi, Ngọc dùng búa đánh mạnh liên tiếp vào đầu, khiến ông Hoàn tử vong. Nguyên nhân được Ngọc khai nhận là do có mâu thuẫn từ trước dẫn đến tư thù cá nhân, nên khi thấy ông Hoàn, máu nóng nổi lên, hắn liền ra tay sát hại.
Mới đây, TAND TP Hà Nội vừa tuyên phạt đối tượng Nguyễn Văn Tình (25 tuổi, trú tại huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) 20 năm tù về tội giết người.
Trước đó, Tình cùng 5 người bạn đến ăn lẩu tại quán ở xã Đức Thượng, thì gặp nhóm Nguyễn Đức Hùng. Do quen một người trong nhóm, Tình được gọi đến uống cùng. Trong cuộc trò chuyện, nói đến một phụ nữ không có mặt tại quán, Tình gọi chị này là “con” và chửi tục. Bị nhóm Hùng nhắc như vậy là hỗn, Tình xin lỗi và trở về bàn. Tưởng việc đã xong, ai dè ít phút sau, Hùng và nhóm bạn đến chỗ Tình chửi tục, đánh Tình. Trong khi bị Hùng và Thành đuổi đánh, Tình cầm dao bầu ở bếp quán chống trả, đâm Hùng chết tại chỗ.
Hóa giải mâu thuẫn từ đầu
Theo giới chuyên gia nghiên cứu tâm lý tội phạm, những vụ án mạng gần đây cho thấy, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong sinh hoạt thường ngày, quan hệ làm ăn, công việc, quan hệ tình cảm, một số người đã sẵn sàng tước đoạt mạng sống của người khác.
Đặc điểm chung của những đối tượng gây ra các vụ án có tính chất như trên là các đối tượng gây án đều có nền tảng kiến thức xã hội, hiểu biết pháp luật rất hạn chế. Những xung đột tích tụ, dồn nén lâu ngày khi bị kích động, mất hết lý trí mà sử dụng bản năng dẫn hành vi tiêu cực, côn đồ.
Chuyên gia tội phạm học, Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cảnh sát nhân dân, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm nhận định, những con người gây ra hành động tiêu cực thì trong con người đó có quá trình rất dài tích lũy những hiện tượng tâm lý tiêu cực, những yếu tố tích cực không được khơi dậy, lan tỏa, định hướng. Khi trình độ học thức càng thấp, hoặc môi trường sống càng phức tạp, những tâm lý lệch lạc càng lớn thì nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành động tiêu cực, gây án mạng càng lớn.
Bàn về biện pháp phòng ngừa loại tội phạm này, ông Thìn đề cao vai trò giáo dục của gia đình. Gia đình là nên tảng, nơi khởi nguồn, hình thành nhân cách đạo đức. Trong gia đình được rèn luyện, chỉ dẫn một cách bài bản thì sẽ hình thành những con người tốt, và ngược lại.
Vẫn theo ông Thìn, vai trò quản lý nhà nước tại địa bàn cũng rất quan trọng. Chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội, quần chúng phải nắm bắt tốt tình hình địa bàn, mâu thuẫn như thế nào, sớm hòa giải, giải tỏa các vấn đề vướng mắc không để tích tụ, bức xúc có thể dẫn tới các hậu quả khôn lường.
“Luật hình sự nước ta đã quy định các chế tài rất nghiêm khắc. Vấn đề việc xử lý phải kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội đồng thời tạo ra một sức ép dư luận xã hội, lên án phê phán các hành vi tiêu cực… để góp phần răn đe” - ông Thìn nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS Lưu Hoài Bảo, Giảng viên Bộ môn tội phạm học, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, vấn đề đầu tiên là cần xử nghiêm tất cả hành vi vi phạm pháp luật, điều này sẽ tạo ra uy lực của pháp luật. Khi người dân cảm thấy pháp luật là phương tiện để bảo vệ mình và phạm tội thì sẽ bị pháp luật trừng phạt thì họ sẽ tự nguyện chấp hành. Mặt khác, ngành chức năng cấp cơ sở cần làm tốt công tác nắm tình hình, phòng ngừa tội phạm. Nếu sớm giải quyết những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong mỗi gia đình, trong xã hội thì sẽ loại bỏ được những vụ thảm án lớn...
TS Bảo cũng lưu ý, hiện có quá nhiều cám dỗ, đặc biệt là môi trường mạng xã hội, các trò chơi điện tử có xu hướng sử dụng bạo lực nhiều. Cùng đó là nhiều phim, clip trên mạng có tính chất độc hại, côn đồ, bạo lực. Một số người trẻ đã học theo, bắt chước, rất nguy hại. Những biểu hiện đó cần phải được giáo dục, uốn nắn, xử lý ngay từ đầu, để tránh dẫn tới những hành động nguy hiểm, vi phạm pháp luật.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS: Tăng cường giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng kiểm soát bản than
Theo quy định về tội “giết người” tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, thì mức hình phạt cao nhất là chung thân hoặc tử hình. Đây là hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống pháp luật nước ta cũng như trên thế giới.
Đối với những vụ án mạng xảy ra chỉ vì những nguyên nhân xã hội, lý do nhỏ nhặt thì Luật Hình sự cũng quy định tình tiết định khung về phạm tội “có tính chất côn đồ” (quy định tại điểm n Khoản 1 Điều 123).
Có thể thấy các hình phạt hiện tại đã đủ sức nặng để răn đe đối với tội phạm này, tuy nhiên vẫn xảy ra nhiều vụ án mạng thương tâm. Đây một phần là do việc tuyên truyền pháp luật chưa được thực hiện một cách triệt để, có những người phạm tội nhưng lại không thể lường trước được là mình sẽ phải đối diện với những hình phạt gì trong tương lai.
Ngoài ra, việc giáo dục xã hội cũng chưa được tốt. Giáo dục ở đây là giáo dục về kỹ năng sống, kỹ năng kiểm soát bản thân, không để những cảm xúc tiêu cực điều khiển hành vi của mình.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Hình phạt nặng để tăng tính răn đe
Các vụ án mạng, thảm sát xảy ra gần đây chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ là những sự việc hết sức đau lòng khi những người thiệt mạng có khi lại là chính người thân trong gia đình kẻ phạm tội. Đôi khi, chỉ vì những cảm xúc nóng giận nhất thời hoặc vì những yếu tố dẫn đến tình trạng mất khả năng nhận thức mà người phạm tội không lường trước được hậu quả của hành vi mình gây ra.
Tội giết người là tội phạm nghiêm trọng, gây hại trực tiếp đến quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người.
Do đó, pháp luật hình sự hiện nay của nước ta cũng đã quy định về mức xử phạt cao hơn so với các tội danh khác đối với người phạm tội. Pháp luật cũng quy định ngay từ giai đoạn chuẩn bị phạm tội hay khung cơ bản, người phạm tội đã phải chịu hình phạt chính là tù có thời hạn và cao nhất là tử hình đã cho thấy rằng khung hình phạt và biện pháp xử lý loại tội phạm này đã mang tính chất nghiêm minh, xử lý đúng tính chất tội phạm, thể hiện ý chí của Nhà nước về loại tội phạm nguy hiểm này.
Thực tế cho thấy, nhiều vụ án do người phạm tội sử dụng các chất kích thích. Do đó, cá nhân tôi cho rằng các nhà lập pháp có thể xem xét để đưa tình tiết sử dụng các chất kích thích gây ra hậu quả chết người là tình tiết định khung tăng nặng để nâng cao tính răn đe trong xã hội và hạn chế các hậu quả đáng tiếc xảy ra.