Ngày 23/12/2022, dư luận vô cùng ngạc nhiên khi bị cáo Nguyễn Chiến Thắng - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nói trước tòa rằng sở dĩ chọn doanh nghiệp nọ thực hiện dự án mà không chọn doanh nghiệp kia là do công ty đó tài trợ cho tỉnh 8 triệu USD để tổ chức thi hoa hậu.
Nếu đúng như vậy thì thi hoa hậu gắn chặt với... tiền.
Mới đây, việc một người đẹp diện váy đuôi cá màu vàng, “xuyên thấu” gần như lộ cơ thể, nhất là phần chân, hông dưới lớp váy, đã khiến dư luận dậy sóng.
Hóa ra, việc người đẹp có danh xưng thích “khoe thân” nào phải chuyện đặt điều, thị phi.
Còn nhớ, cuộc thi hoa hậu toàn quốc lần đầu tiên (năm 1988) đã vinh danh người đẹp Bùi Bích Phương. Khi đó, có thể nói dân tình náo nức vì chưa bao giờ có một cuộc thi như thế. Nhiều người không có lý do gì cũng tìm cách đi qua phố Bà Triệu, Hà Nội nơi gia đình hoa hậu sinh sống.
Sau này các cuộc thi hoa hậu ngày một nhiều lên, dày đặc, nhưng nhiều người vẫn nhớ cái cảm giác lâng lâng của những ngày tháng ấy, bỗng thấy tiếc khi mà các cuộc thi sắc đẹp quá nhiều. Chưa kịp nhớ tên hoa hậu này thì lại đã xuất hiện cả chục hoa hậu khác.
Năm 2022, hầu như tháng nào cũng có các cuộc thi sắc đẹp, thậm chí có đêm hai người đẹp cùng đăng quang. Trong năm 2022 cả nước có gần 30 cuộc thi hoa hậu được tổ chức. Có thể kể đến các cuộc thi như: Hoa hậu Sinh thái Việt Nam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ, Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Môi trường Việt Nam, Hoa hậu Thương hiệu Việt Nam, Hoa hậu Thời đại Việt Nam… Chỉ nghe thôi mà đã “rối não”.
Phải chăng Việt Nam đã là “cường quốc nhan sắc” khi mà "ra ngõ gặp hoa hậu, lên mạng gặp hoa hậu, á hậu”?
Ông Dương Xuân Nam, vào năm 1988 là Tổng Biên tập Báo Tiền phong - đơn vị tổ chức cuộc thi hoa hậu toàn quốc lần đầu tiên, dù rất hoan nghênh các cuộc thi nhan sắc nhưng cũng phải thốt lên rằng việc "loạn" hoa hậu (ngày nay) là có thật khi các cuộc thi diễn ra với tần suất và số lượng lớn. Ông Nam cũng nói rằng, cái thời của ông tổ chức thi hoa hậu chỉ duy có mục đích tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, định hướng cái đẹp cho tuổi trẻ, chứ không nghĩ đến việc kiếm tiền.
Nhiều người cho rằng, việc các cuộc thi hoa hậu được tổ chức dày đặc trước hết là nơi tổ chức kiếm được tiền, sau nữa là “bệ phóng” để người đẹp "đổi đời", trong đó nhiều cô cố có được danh hiệu để kiếm “đại gia". Có nghĩa cũng lại vì tiền, với hy vọng có được cuộc sống nhung lụa chỉ nhờ vào nhan sắc.
Không ai “cản bước tiến” của người đẹp. Phụ nữ Việt Nam rất đẹp. Điều đó đã rõ, nhưng nếu xác định mục đích tổ chức thi hoa hậu để kiếm tiền cũng như dùng danh hiệu có được để giàu có thì cũng chẳng hay ho gì. Phải làm cho các cuộc thi hoa hậu thật xứng tầm với những gì nó cần phải có. Người được vinh danh cũng thật xứng đáng, thì hoạt động văn hóa ấy mới thành công.
Năm 2023 này không biết sẽ có bao nhiêu cuộc thi hoa hậu, điều đó phụ thuộc vào Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Nhưng, ở đời, cái gì ít mới quý. Như kim cương vậy, quý vì giá trị của nó và vì nó rất hiếm. Xét cho cùng, một năm mà có tới ngót 30 hoa hậu đăng quang, cả trăm á hậu, đến nghìn người đẹp top 5, top 10 thì còn gì là quý nữa.