Là một họa sĩ trẻ, đam mê vẽ tranh sơn mài, Đỗ Mạnh Hiệp chọn dòng tranh sơn mài bởi đây là dòng tranh mang đậm dấu ấn, bản sắc văn hóa Việt. Anh mong muốn được góp phần giới thiệu, phát triển dòng tranh này nhiều hơn nữa đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Người trẻ mê sơn mài
Ngắm những bức tranh với gam màu tươi sáng, rạng rỡ của họa sĩ Đỗ Mạnh Hiệp, người xem như được hòa mình vào không gian đẹp và thanh bình ở các miền quê, những bức tranh mang đến cho người xem cảm giác vừa ấm áp, vừa vô cùng thân quen, gần gũi…
Ít ai biết, những tác phẩm hội họa ấn tượng và chất chứa tâm sự ấy lại được tạo nên bởi một chàng trai thuộc thế hệ 9x, họa sĩ Đỗ Mạnh Hiệp.
Chia sẻ cơ duyên đến với hội họa, Đỗ Mạnh Hiệp cho biết, anh sinh ra và lớn lên ở tỉnh miền núi Tuyên Quang, trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật, nhưng từ nhỏ, anh đã rất thích vẽ, hễ trong tay có gì có thể vẽ được là anh có thể ngồi loay hoay vẽ cả buổi.
Tốt nghiệp THPT, Hiệp có mơ ước trở thành họa sĩ, nhưng do chưa tự tin lắm nên Hiệp chỉ dám đăng ký thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc họa Trung ương. Trong thời gian theo học tại ngôi trường này, Hiệp dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu rồi mạnh dạn đăng ký và thi đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Thời gian đầu, Đỗ Mạnh Hiệp vẽ đa dạng trên nhiều chất liệu từ sơn mài, lụa, sơn dầu... Nhưng cuối cùng anh chọn sơn mài là chất liệu để thể hiện đại đa số tác phẩm của mình. Anh bảo: “Để vẽ sơn mài cần có độ tĩnh nhất định. Những chất liệu trong sơn mài tạo ra hiệu ứng và cảm xúc bề mặt mà các chất liệu khác không có được, vì vậy, sau khi đã trải qua nhiều chất liệu, anh nhận thấy sơn mài phù hợp nhất cho việc thể hiện ý đồ của anh trên mặt tranh”.
Để hoàn thành một tác phẩm sơn mài, người họa sĩ phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp, từ phác thảo bố cục tranh, vẽ trên vóc, mài, rồi đánh bóng tranh… Đặc biệt, ở khâu cuối cùng - mài tranh, đòi hỏi người họa sĩ phải hết sức tỉ mỉ, cẩn trọng.
Nếu mài non tay, thì màu sắc của bức tranh không được như mình mong muốn, không mang lại vẻ đẹp của tranh. Nhưng nếu mài quá tay, thủng vóc, lại phải vá, rất khó và tốn kém. Hầu hết các họa sĩ vẽ sơn mài đều thừa nhận rằng, kỹ thuật vẽ sơn mài khó và có tính ngẫu nhiên, ngay cả các họa sĩ dày dặn kinh nghiệm, nhiều khi cũng bị bất ngờ trước hiệu quả đạt được sau khi mài tranh.
Chia sẻ những khó khăn của họa sĩ trẻ đam mê vẽ sơn mài, Đỗ Mạnh Hiệp cho biết, khó khăn lớn nhất là bài toán kinh tế. Tranh sơn mài vừa khó, chi phí lại cao. Để vẽ một bức tranh khổ 40x60 cm, anh phải dùng mất nửa quỳ vàng (tương đương nửa chỉ vàng), nếu vẽ tranh khổ to hơn, thì phải dùng không dưới 1 quỳ (tương đương 1 chỉ), đó là còn chưa tính các họa cụ khác như vóc, màu...
Ngoài việc tốn kém, tranh sơn mài đòi hỏi người họa sĩ phải tỉ mỉ, dày kinh nghiệm và trải nghiệm. Có lẽ vì những khó khăn đó, mà nhiều người cùng khóa với anh trong trường đã chuyển sang làm việc khác, không còn vẽ nữa. Bản thân Hiệp luôn xác định làm nghề khác để kiếm nuôi mình và gia đình, còn với hội họa là “sân chơi” để anh thỏa mãn đam mê, tìm tòi sáng tạo trong nghệ thuật, vừa vẽ vừa đúc rút kinh nghiệm trong kỹ thuật vẽ tranh, để sáng tạo ra thật nhiều tác phẩm đẹp, giới thiệu đến với những người yêu tranh trong và ngoài nước.
Giữ bản sắc văn hóa Việt
Là họa sĩ trẻ, nhưng Đỗ Mạnh Hiệp không chạy theo thị hiếu hay tìm kiếm sự dễ dãi, anh nói “không” với việc “nhái” phong cách, nhái tác phẩm, mà luôn tự tìm cho mình một phong cách và lối đi riêng, với mong muốn tạo ra những sản phẩm nghệ thuật mới mẻ, hấp dẫn và mang phong cách của riêng mình.
Tranh sơn mài yêu cầu sự tỉ mỉ, kiên trì của hoạ sĩ, chất liệu trong sơn mài phù hợp với nội dung họa sĩ cần biểu đạt. Sơn mài cũng là chất liệu không thể làm giả được. Ngày nay, với sự phát triển của xã hội, của công nghệ 4.0, của trí tuệ nhân tạo AI, rất có thể tạo ra những bức tranh sống động theo chất của sơn dầu, màu nước. Nhưng với sơn mài thì không thể, bởi sơn mài là tác phẩm duy nhất và chính người hoạ sỹ không thể vẽ lại bức thứ hai giống hệt thế.
Họa sĩ Đỗ Mạnh Hiệp cho biết, một trong những lý do để anh lựa chọn và theo đuổi dòng tranh sơn mài là bởi đây là dòng tranh truyền thống, mang đậm dấu ấn, bản sắc văn hóa Việt Nam. Dòng tranh này cũng từng được xem là một trong những niềm tự hào của người Việt. Chính vì vậy, anh đã lựa chọn vẽ tranh sơn mài với mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào việc giới thiệu, phát triển dòng tranh này nhiều hơn nữa đến với bạn bè trong nước và quốc tế...
Có thể thấy, nghề sơn mài của Việt Nam, trong nhiều thập niên vừa qua, đã được thế giới biết đến với nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ và tác phẩm hội họa nổi tiếng. Giới chuyên gia cho rằng, nét đẹp của sơn mài mang một sức truyền cảm mạnh mẽ của một truyền thống văn hóa cổ xưa in đậm nét trong tâm thức của người Việt.
Đến nay, chất liệu sơn mài được đánh giá đã góp phần tạo nên sự độc đáo của mỹ thuật Việt Nam. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sơn mài và hội họa sơn mài là những sản phẩm, tác phẩm độc đáo, cần được xây dựng trở thành sản phẩm văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Để vinh danh nghệ thuật sơn mài, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Đề án Xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia Nghệ thuật sơn mài Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030. Đề án được xây dựng gồm các nội dung: xây dựng logo nhãn hiệu công nhận và bộ nhận diện; ban hành quy trình chế tác, tiêu chuẩn nguyên vật liệu, tiêu chí của nghệ thuật sơn mài Việt Nam; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tuyên truyền giới thiệu về nghệ thuật sơn mài Việt Nam trong nước và nước ngoài; tổ chức Liên hoan Nghệ thuật sơn mài quốc tế tại Việt Nam.
Từ đề án cho thấy, con đường của sơn mài còn rộng, còn dài, là miền đất màu mỡ nhưng cũng đầy thử thách cho những ai quyết tâm chinh phục. Con đường này cần sự tham gia, chung tay của nhiều người, nhất là những người trẻ, tâm huyết và đam mê như họa sĩ trẻ Đỗ Mạnh Hiệp.