Trong số các nữ họa sĩ đương đại, Đinh Thị Thắm Poong là gương mặt được nhiều người nhắc tới, với một phong cách riêng. Chị đã để lại dấu ấn cá nhân trong nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Tranh của chị có mặt trong nhiều bảo tàng và nằm trong nhiều bộ sưu tập cá nhân ở trong và ngoài nước.
1. Họa sĩ Đinh Thị Thắm Poong, 50 tuổi. Bố chị là người Mường, mẹ chị là người Thái. Như bao đứa trẻ miền núi khác, Thắm Poong có tuổi thơ trong trẻo, sống chan hòa với thiên nhiên. Suốt những năm tháng tuổi thơ và tuổi trẻ, chị sống cùng gia đình tại thị xã Lai Châu… Sau này chính chị cũng thừa nhận, vì được sinh ra và lớn lên ở vùng đất nguyên sơ ấy mà đã sở hữu một “kho báu của cải huy hoàng của hồi ức”. Đó là nguồn cảm hứng bất tận để khi trở thành họa sĩ, chị ngồi lặng lẽ hoàn thành những bức tranh ký tên “Đinh Thị Thắm Poong”.
Một may mắn khác, chị được lớn lên trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Nữ họa sĩ từng chia sẻ: “Cha tôi là cán bộ sưu tầm văn hóa dân gian, mẹ là diễn viên múa của Đoàn Văn công khu Tây Bắc. Cha mẹ là người truyền cảm hứng nghệ thuật cho tôi từ bé…”.
Từ môi trường nghệ thuật ấy, cô bé Poong bắt đầu làm quen với giá vẽ. Những buổi theo mẹ đến Đoàn Văn công Tây Bắc, được xem các cô chú họa sĩ vẽ pano trang trí sân khấu, cô mê tít.
Sau khi học hết phổ thông, Thắm Poong quyết định thi vào Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Là người dân tộc, chị được ưu tiên cộng 1 điểm. “Hồi đó, gia đình nào cũng khó khăn và nghèo. Mà vẽ, thì chẳng cần gì nhiều, đôi khi chỉ là những tờ giấy và bút. Cuộc sống cũng lo đủ thứ, nhưng cái lo lúc bấy giờ cũng chỉ quanh quanh như thời của hiện tại. Mà tôi thì cũng đơn giản, chỉ cần ăn, đọc sách, đến lớp, nhưng thực sự là có nhiều thời gian hơn dành cho đọc. Cái đó, thời nay không còn nhiều nữa”, chị chia sẻ.
2. Có lẽ chính bởi được sinh ra và lớn lên trong một không gian văn hóa còn nhiều nét nguyên sơ của Lai Châu, nên khi đến với hội họa, Đinh Thị Thắm Poong đã sớm định hình lối vẽ của mình. Chị không vẽ những đại cảnh núi non hùng vĩ như thường thấy ở nhiều tác phẩm của các họa sĩ khác, mà lựa chọn chi tiết, vân vi với chi tiết. Dù vẽ về phiên chợ vùng cao, về những người phụ nữ xuống chợ, hay về mùa xuân, về cánh rừng đi chăng nữa, thì tác phẩm của Đinh Thị Thắm Poong cũng rất nhiều chi tiết; nhiều hình người trong motif hoa lá, với một bố cục động và mở.
Có ý kiến cho rằng, càng về sau, ngôn ngữ hội họa của chị, bên cạnh sự giản dị chân phương của bút pháp hiện thực, còn chứa nhiều yếu tố siêu thực về mối giao hòa kỳ diệu, vĩnh viễn giữa con người và cây cỏ. Sự vật trong tranh không chỉ là những gì đang diễn ra mà còn gợi những gì sắp xảy đến. Ở đó không thấy ranh giới khi hiện thực kết thúc và tưởng tượng bắt đầu.
Xem tranh, ta nghe đâu đây như nữ họa sĩ đang thì thầm kể những câu chuyện về vùng cao. Đó có thể là một hoài niệm mơ màng, có thể là một hiện thực gửi gắm điều tiếc nuối. Người ta nói rằng, tranh của chị chứa đựng vẻ đẹp của những gì còn lại, sự sống, niềm kiêu hãnh, của quá khứ, cả nỗi buồn, sự dằn vặt về một không gian tự nhiên đã không còn nguyên vẹn.
3. Sau này, dù ở phố thị nhưng gia đình chị vẫn giữ mối liên lạc mật thiết với họ hàng, bà con nơi quê gốc. Họa sĩ Đinh Thị Thắm Poong từng chia sẻ chân thành: “Các tập quán, lối sống, sinh hoạt của dân tộc ít người trong gia đình chúng tôi luôn được duy trì gần như đầy đủ. Bởi vậy, dù không còn sống ở quê nhà, nhưng với tôi, những gì đã thấm từ thơ trẻ, cho đến nay không phai lạt. Tôi là người con của vùng văn hóa Tây Bắc”.
Đôi khi mệt mỏi với cái ngột ngạt của cuộc sống hiện đại, chị lại trở về tìm lại nhịp điệu bình yên nơi non cao lặng lẽ. Mỗi lần trở về ấy, chị lại hiểu thấm thía hơn sự mất đi không trở lại của môi trường ban đầu. Theo chị, những người vùng cao có một giá trị cốt lõi của sinh tồn, đó là: coi thiên nhiên và con người là một tổng hòa và cố gắng giữ sự hài hòa để cùng nhau phát triển.
Điều này hoàn toàn trùng khít với những gì chị đã vẽ trong các tác phẩm của mình. Ở đó, thiên nhiên và con người vùng cao hiện ra, có sự đan xen, hòa quyện và kết nối. Tranh chị thường lấy con người làm nhân vật và các hình ảnh thiên nhiên, tự nhiên làm chủ đạo, trong mối giao hòa, liên kết mạnh, mang ý nghĩa biểu trưng. Con người trong đó chiếm quá lớn về hình, có vẻ mạnh mẽ, nhưng lại cũng rất mong manh. Theo chị, con người chỉ đẹp đẽ và mạnh mẽ khi có thiên nhiên bao bọc và trang điểm, nhưng thiên nhiên cũng có thể xâm lấn con người. Vậy nên sự liên lạc, sự kết nối ấy đặt ra, khơi gợi nhiều suy ngẫm.
Họa sĩ Đinh Thị Thắm Poong cho rằng, làm nghệ thuật, để có một ngôn ngữ, một giọng nói trong nghệ thuật của mình, đôi khi đã tốn cả một đời người rồi. Vì sau một hành trình tìm kiếm, khẳng định, chị đã có được giọng nói nghệ thuật không lẫn. Đó là điều không phải họa sĩ nào cũng làm được.