Lựa chọn dòng tranh hiện thực, tham gia gần 20 triển lãm trong nước và quốc tế, đạt nhiều giải thưởng mỹ thuật quốc gia, qua Facebook cá nhân, họa sĩ Lê Thế Anh đã giới thiệu không chỉ các tác phẩm cá nhân mà còn cung cấp thêm cho công chúng các thông tin về hoạt động mỹ thuật của nhóm Hiện thực, phản ánh nạn đạo nhái tranh... Ngoài ra, gần đây, anh còn có hoạt động từ thiện trên Facebook, khi kết nối tranh của đồng nghiệp đến với người sưu tập, tiền thu được gửi về Quỹ Thiện Nhân và Những người bạn.
Họa sĩ Lê Thế Anh chia sẻ việc sử dụng Facebook sao cho tích cực hơn:
“Mạng xã hội với tôi có ba vấn đề mấu chốt: Thứ nhất là hiển nhiên, nó rất quan trọng đối với đời sống con người, trong đó có tôi. Trên cương vị là một họa sĩ, mạng xã hội giúp tôi dễ dàng kết nối các kiến thức về văn hóa xã hội, điều ấy rất quan trọng trong tư duy sáng tác, kết nối các kiến thức chuyên môn, về các hoạt động mỹ thuật trong nước cũng như trên thế giới. Có thể nói nếu không dùng mạng xã hội, tôi có cảm giác như bị cô lập về thông tin vậy. Tuy nhiên, trên tất cả, tôi vẫn xác định mạng xã hội là công cụ hỗ trợ cho công việc cũng như một số như cầu cá nhân chứ không hẳn là một thứ sống còn, không thể không có... Thứ hai là thời gian tôi dành cho mạng xã hội trong ngày: thường vào face nhiều nhất vào mỗi sáng sớm và khi đêm muộn, lúc xong công việc. Tất nhiên, thỉnh thoảng những khi giải lao hoặc chờ đợi để giết thời gian, tôi vẫn tranh thủ vào facebook. Việc chủ động thời gian cho mạng xã hội giúp tôi vừa nắm bắt được thông tin, vừa vẫn chuyên tâm cho sáng tác. Thứ ba là quan điểm khi dùng mạng xã hội. Tôi cho rằng, số lượng thông tin trên internet rất nhiều, nên việc chủ động chắt lọc thông tin phù hợp là rất quan trọng. Tôi quan tâm nhiều đến mảng văn hóa xã hội, giáo dục, đặc biệt là mỹ thuật. Những câu chuyện ngoài luồng, tôi hầu như không để ý. Tôi cũng cố gắng tránh các cuộc tranh luận không cần thiết, nhất là các cuộc tranh luận không có tính chuyên môn vì thông thường nó sẽ không có hồi kết và dễ làm tổn thương cho các bên. Tôi thích các bài viết có tính học thuật cũng như nhiều năng lượng tích cực. Tôi nghĩ, với sức lan tỏa của Facebook, những hình ảnh, câu chuyện nhân văn sẽ giúp ích nhiều cho việc làm tăng chất lượng cuộc sống. Và tôi dùng Facebook với tinh thần như vậy.
Tôi ít khi phát ngôn trên mạng xã hội vì tôi ngại sẽ bị cuốn vào các tranh luận không đáng có, mà thường chỉ đăng các status hoặc comment về các vấn đề liên quan đến mỹ thuật liên quan đến công việc sáng tác của tôi. Những status ấy đa phần mang tính chuyên môn thuần túy hoặc có tính cổ vũ, truyền tải đam mê nghệ thuật. Tôi rất ghét vấn nạn đạo nhái tranh. Ngoài ra, trên cương vị một công dân, những vấn đề mang tính cấp bách, thời sự của xã hội... khi cần tôi cũng bày tỏ chính kiến, nhưng đa phần tôi thích nhìn sự việc trên tinh thần lạc quan hơn là chì chiết, phê phán.
Tôi yêu công việc của mình và tôi mong mọi người hiểu tôi thông qua các sáng tác. Tiền nhân vẫn nói “văn là người”, điều này đặc biệt đúng với hội họa. Mỗi mảng mầu, nét bút, mỗi bức tranh... là tấm gương phản ánh soi rõ nhất tâm hồn người nghệ sĩ. Chia sẻ các hoạt động nghệ thuật là cách giúp nghệ sĩ và công chúng gần nhau hơn, giúp hội họa lan tỏa một cách tự nhiên và bền vững vào lòng công chúng, vì vậy, bất cứ những gì liên quan đến văn hóa nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng, tôi đều thích chia sẻ. Đời sống mỹ thuật ngày hôm nay trở nên sôi động hơn chính nhờ phần lớn những sẻ chia của các nghệ sĩ.
Tôi yêu thích các câu chuyện nhân văn và lan tỏa giá trị yêu thương. Mỹ thuật là cái Đẹp và nó sẽ đẹp hơn nữa khi góp phần thiết thực vào các hoạt động nhân ái. Ngoài ra, việc quyên góp tranh cũng như đấu giá một tác phẩm hội họa... trên thực tế có vẻ thuận lợi hơn: ở đó, các họa sĩ có dịp bầy tỏ tấm lòng yêu thương của mình một cách thiết thực thông qua tác phẩm, nhà sưu tập cũng vừa có cơ hội sở hữu tranh lại vừa đạt được mục đích quyên góp tài chính ủng hộ từ thiện. Thành công của một chương trình đấu giá tranh từ thiện không phải nằm ở số lượng tác phẩm đấu giá cùng số tiền thu được, mà cao hơn cả là giá trị lan tỏa của chương trình. Họa sĩ thấy sáng tác của mình nhiều ý nghĩa, nhà sưu tập ngắm bức tranh của mình trong phòng và nhớ về một hoạt động đẹp và ở đâu đó, những hoàn cảnh khó khăn đang được tiếp thêm nghị lực để vươn lên. Cuộc sống còn gì đẹp hơn thế!
Chúng ta thực sự đang thiếu trầm trọng văn hóa tranh luận. Tâm lý hiếu thắng luôn tràn ngập trong các cuộc tranh luận. Người ta thường dựa vào quyền tự do cá nhân để sẵn sàng thóa mạ, văng tục, hạ nhục đối phương nếu cần. Trong những trường hợp này, dữ liệu biện minh vấn đề không phải để làm sáng tỏ luận điểm, mà thực chất là nhằm thỏa mãn chiến thắng bản thân trước đối thủ. Sự lưu manh hóa trong tranh luận vì thế xuất hiện khá nhiều trên mạng xã hội và rõ ràng không mang ý nghĩa tích cực nào cả.
Các KOLs (Key opinion leaders – người có ảnh hưởng đối với cộng đồng trên mạng) đương nhiên đều có một lượng lớn người hâm mộ (fans). Những người hâm mộ luôn thể hiện tình cảm trước các “thần tượng” của mình bằng cách share bài viết mà đôi khi không cần kiểm chứng, không biết mình đang ủng hộ vấn đề là đúng hay sai. Do vậy, tính thiếu chủ động, thiếu chính kiến, a dua... của đám đông là có. Họ sẽ rất dễ bị hiệu ứng lan truyền cảm xúc, tạo thành một làn sóng kích động, đôi khi bị lợi dụng mà không hay. Ngay cả các “hot KOLs” cũng rất dễ sa vào vũng lầy của chính mình. Sự tung hô của đám đông rất dễ đưa họ đến tư duy thỏa mãn quần chúng, khiến họ đưa ra những bài viết mang khẩu vị đám đông chứ không phải từ chính quan sát cá nhân. Thậm chí, để duy trì độ “hot” của mình, họ sẵn sàng đưa những thông tin giật gân, đánh bóng tên tuổi... Trong những trường hợp ấy, người hâm mộ đang bị định hướng, lôi kéo, trục lợi... mà không hay”.