"Xin hãy nhẹ tay - Thầm Thì - Tôi ở đây" là triển lãm của Nguyễn Thế Hùng (diễn ra đến 12/7 tại không gian nghệ thuật Ánh Dương Art Space, Long Biên, Hà Nội). Triển lãm gồm 25 bức tranh khổ lớn, được vẽ bằng chất liệu sơn mài trên toan.
Nguyễn Thế Hùng được tiếp cận nghệ thuật đương đại đầu những năm 2000, thông qua các dự án nghệ thuật trong nước và quốc tế. Anh sinh năm 1981, tại Tuyên Quang, suốt những năm tháng sinh viên, Hùng tham gia vào những dự án nghệ thuật đương đại và làm những tác phẩm sắp đặt.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, sự trao đổi văn hoá quốc tế, thông tin đến với họa sĩ thuận lợi, và vì thế Hùng cùng các đồng nghiệp được cập nhật những kiến thức về nghệ thuật, khám phá các biểu hiện và các chất liệu tạo hình mới dễ dàng hơn.
Từ đó, một số nghệ sĩ trẻ Việt Nam yêu thích nghệ thuật đương đại đã tập trung vào sáng tạo, trình bày tư tưởng cá nhân qua những cách thức biểu hiện mới, từ đó cho ra những tác phẩm trình diễn, sắp đặt, và được sưu tập bởi các nhà sưu tập, bảo tàng nghệ thuật uy tín.
Sau thời kỳ rực rỡ của nghệ thuật đương đại, Nguyễn Thế Hùng nhanh chóng quay trở lại giá vẽ, tiếp tục thực hành và trải nghiệm với những chất liệu khác nhau như: nho mài, giấy dó, acrylic, tổng hợp. Hai năm qua, Hùng tập trung vào thực hiện sáng tạo sơn mài trên toan.
“Khi chuyển sang khám phá chất liệu sơn mài trên toan, tôi gặp rất nhiều câu hỏi từ những người cùng nghề”, Nguyễn Thế Hùng chia sẻ.
“Sơn mài là một chất liệu truyền thống của Việt Nam, người ta vẽ sơn lên trên vóc, một tấm gỗ đã được xử lý để phù hợp với chất liệu. Tấm vóc rất nặng và bị giới hạn bởi kích thước cũng như dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Bên cạnh đó, tranh vẽ trên vóc cũng gặp khó khăn khi vận chuyển, trưng bày, nhất là mỗi khi tham gia các triển lãm quốc tế, việc vận chuyển và bảo quản luôn là vấn đề lớn với họa sĩ. Tôi tham khảo ý kiến của một người bạn họa sĩ và thử nghiệm thay thế gỗ bằng vải lanh. Sau rất nhiều những lần thử nghiệm, tôi đã có thể làm chủ được chất liệu sơn mài trên toan".
Với họa sĩ Nguyễn Thế Hùng, bộ tranh triển lãm lần này là “một trái cây đã đạt đến độ chín muồi. Từ đề tài, cảm hứng đến chất liệu”. Hơn mười năm theo đuổi, Nguyễn Thế Hùng đã khai thác và phát triển đề tài về vẻ đẹp của người phụ nữ, không chỉ ở ngoại hình mà còn cả nội tâm bên trong, trong bối cảnh những giao thoa văn hóa, truyền thống và hiện đại.
“Qua triển lãm này, tôi muốn đem đến những bức tranh vẽ trên chất liệu sơn mài trên toan trong 2 năm qua với đề tài tôi khai thác trong 10 trở lại đây. Có cái mới, có cái cũ, có cái mới bên trong cái cũ, có cái cũ bên trong cái mới. Có những điều từ lâu tôi vẫn luôn trăn trở, có những xúc cảm tôi mới đặt bút hôm qua”, Nguyễn Thế Hùng tâm sự.
Trong triển lãm lần này, họa sĩ đã thử sức với 2 bức tranh hình tròn có đường kính 2,7m. Đây không phải lần đầu anh vẽ trên hình tròn, nhưng kích thước lớn như vậy là một thử thách. Ngoài hai bức tròn khổ lớn, còn có những bức cao 2m, dài hơn 5m, còn lại là 1,25m x 1,94m.
Quá trình tìm tòi và thực hiện tác phẩm kích thước lớn lần này là một trải nghiệm rất thú vị với cá nhân Nguyễn Thế Hùng. Anh nói: “Thật vui vì không gian triển lãm lần này đã giúp tôi phần nào thể hiện được sở thích của mình, mặc dù tôi còn muốn có những bức tranh lớn hơn nữa. Cảm giác đứng trước một tác phẩm rất lớn đem đến một ấn tượng và một trải nghiệm rất khác biệt”.
Kỹ thuật thực hiện sơn mài trên toan, theo họa sĩ Nguyễn Thế Hùng, không khác là bao so với sơn mài truyền thống. Anh vẽ nhiều lớp và mài từng lớp như bình thường. Nguyễn Thế Hùng tập trung và khai thác ánh sáng và thiết lập các mảng không gian khác nhau vì thế, anh đã sử dụng rất nhiều lá vàng, lá bạc, vụn vàng, vụn bạc, bụi vàng, bụi bạc… kết hợp với nhau để tạo nên hiệu ứng đa dạng, đa sắc độ cho tranh của mình.
Không định hình mình là một nghệ sĩ khác biệt hơn so với những người bình thường, họa sĩ Nguyễn Thế Hùng vẽ như cách anh sống và tận hưởng từng khoảnh khắc của cuộc đời, chậm rãi, trọn vẹn: “Vẽ tranh với tôi như một điều hiển nhiên, tôi thưởng thức và tận hưởng cảm xúc hạnh phúc được làm việc mình thích mỗi ngày”.