Hoa Tết đợi người

Đoàn Xá 18/01/2023 08:00

Còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhiều hộ kinh doanh cây cảnh và hoa trưng Tết tại Đồng Nai đang rất lo lắng vì “ế” khách.

Nhóm chạy xe ba gác vận chuyển hoa ngồi “tám” chuyện vì ế khách.

Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh Đồng Nai (phường Tân Phong, TP Biên Hòa) là một trong những địa điểm quen thuộc thu hút đông đảo người dân tham quan, mua hoa trưng Tết Nguyên đán. Khác với mọi năm, đến 25 tháng Chạp nhưng lượng người mua hoa Tết vẫn rất ít. Nhiều chủ vựa kinh doanh hoa Tết đang trong tình cảnh đứng ngồi không yên.

Ông Nguyễn Thủy (ở TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) cho hay, đã 5 ngày trôi qua nhưng mới bán chưa được 10 chậu hoa cúc. “Thời điểm này năm ngoái tôi đã bán được vài chục chậu. Năm nay xem chừng không ăn thua. Đã 25 tháng Chạp rồi mà chỉ thấy người bán, không thấy người mua” - ông Thủy nói.

Cách đó không xa là gian hàng kinh doanh mai vàng của ông Trần Văn Thành (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Ông Thành cho hay đã thuê 1 lô có chiều ngang 3m hết 17 triệu đồng để bán hàng. Từ hôm hội chợ hoa Xuân mở cửa đến giờ mới bán được 1 chậu 3 triệu đồng. “Năm nay chắc thua rồi anh. Cả năm đợi có dịp Tết để bán mà giờ vắng người mua quá, lâu lâu mới có người tạt vào xem” - ông Thành nói.

Người bán mệt mỏi ngồi chờ khách mua hoa.

Hoa Tết ế còn làm cho những ngành nghề ăn theo không có đất sống, nhất là nghề vận chuyển hoa Tết. Ông Phạm Trí Trung, một trong những người chạy xe ba gác vận chuyển hoa Tết cho hay, để có một suất chạy vào dịp này thì phải đóng lệ phí 2,2 triệu đồng. “Năm ngoái tôi đóng 800 nghìn đồng chạy liên tục 10 ngày được hơn 6 triệu đồng. Năm nay đóng những 2 triệu đồng mà mới chạy có được 2 chuyến tổng 400 nghìn đồng. Kiểu này dễ chừng không lấy lại vốn quá. Hoa ế, không có người mua thì lấy đâu ra mà chở” - ông Trung than thở.

Theo nhiều thương lái, năm nay chi phí vật tư, nhân công, vận chuyển tăng cao nên giá các loại hoa và cây cảnh Tết cũng tăng 5-15% so với cùng kỳ năm trước. Nếu sức mua từ đây đến 30 tháng Chạp tăng chậm thì gần như nắm chắc phần lỗ.

Ông Thủy (bên trái) đứng ngồi không yên vì đã 25 tháng Chạp mà mới chỉ bán được chưa đến 10 chậu hoa cúc.

Khảo sát của phóng viên cho thấy, các loại hoa mai có giá từ vài trăm nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng/gốc; đào từ 500 nghìn đến 6 triệu đồng/gốc; các loại hoa giấy từ 200-300 nghìn đến 5 triệu đồng mỗi chậu; cúc đại đóa từ 800 nghìn đồng đến 5 triệu đồng mỗi cặp tùy kích thước; quất cảnh từ vài trăm nghìn đồng đến 6 triệu đồng/chậu. Giá hoa, cây cảnh tăng cao cũng khiến người mua đắn đo. Vì vậy, đa phần người chơi hoa Tết có xu hướng chọn mua những loại có giá rẻ, hoặc mua giảm số lượng so với mọi năm.

Chị Mai Phương, ngụ phường Trung Dũng, TP Biên Hòa cho biết, năm ngoái gia đình mua 2 chậu cúc đại giá 3 triệu đồng và 1 chậu hoa giấy 1 triệu đồng. Năm nay vợ chồng chị chỉ mua 1 chậu mai vàng loại nhỏ giá 800 nghìn đồng. “Vợ chồng mình mua chậu mai vàng cho có không khí Tết trong nhà, chứ thực tình cũng muốn tiết giảm các chi phí không cần thiết như mua hoa, cây cảnh. Một năm kinh tế khó khăn khiến gia đình phải tính toán lại tất cả các mức chi tiêu hiện hữu” - chị Phương nói.

Tuy sức mua đang ở mức thấp kỷ lục nhưng nhiều chủ gian hàng kinh doanh hoa Tết tại Hội chợ hoa xuân tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh Đồng Nai vẫn kỳ vọng khoảng tầm từ 27 đến 29 tháng Chạp hàng sẽ bán được nhiều hơn.

Theo bà Phạm Hạnh, chủ gian hàng kinh doanh hoa giấy, sức mua năm nay giảm có thể do ảnh hưởng của khó khăn kinh tế nói chung. “Giảm những chi tiêu không cần thiết cũng là một cách để tiết kiệm chi phí trong dịp Tết. Đặc biệt, việc chơi hoa thưởng Tết sẽ là một trong những thứ được giảm nhiều nhất” - bà Hạnh cho biết.

Theo ban tổ chức, hội chợ hoa Xuân Quý Mão 2023 tỉnh Đồng Nai diễn ra tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh từ ngày 20 tháng Chạp đến 15 giờ ngày 30 tháng Chạp. Năm nay, hội chợ hoa Xuân có quy mô 192 gian hàng, tăng gần 20 gian hàng so với dịp Tết Nguyên đán năm ngoái.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hoa Tết đợi người

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO