Xứ ấy ba mặt giáp sông, được bao bọc bởi sông Lô và sông Phó Đáy. Ngày xưa chỉ có mỗi cây cầu Liễn Sơn, là điểm kết nối Tam Dương với Lập Thạch trên Quốc lộ 2C, dẫn đi Tuyên Quang.
Quê ngoại tôi ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Bị các dòng sông vây bọc, vùng đất này biệt lập như một hòn đảo, được xếp vào dạng “vùng sâu vùng xa” của tỉnh. Cứ đến mùa mưa, nước sông dâng lên, tràn vào đồng ruộng các xã vùng thấp, gần sông như Sơn Đông, Đồng Ích, Triệu Đề, Tiên Lữ, biến cả vùng thành những đầm nước mênh mang. Lúc đó, dân không thể làm ruộng, quay qua nghề hạ bạc, giăng câu, đánh lưới qua ngày chờ nước xuống.
Quê nghèo, nhưng tôi lúc ấy là một chú bé mới học lớp 7 lớp 8 ở ngoại thành Hà Nội, rất thích về quê. Muốn đi từ Đông Anh về Lập Thạch, nếu không có xe máy hay xe đạp, chỉ có cách chờ một trong hai chuyến xe khách. Một chuyến chạy tuyến Hà Nội - Lãng Công (xã thuộc huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc. Ngày trước, huyện Sông Lô là một phần của huyện Lập Thạch, đến năm 2008 mới được tách ra). Chuyến còn lại cũng đi từ Hà Nội qua Đông Anh tầm 10h sáng, về Lập Thạch theo Quốc lộ 2C nhưng chạy về xã Triệu Đề, Lập Thạch, đi ngang qua nhà ông bà tôi. Bắt được chuyến này thì đến tầm 4 giờ chiều sẽ về được tới nhà. Nếu để lỡ nó, phải đi xe Lãng Công thì tới thị trấn Xuân Hòa, trung tâm huyện Lập Thạch, phải xuống đi bộ thêm gần 4 km. Hồi đó chưa có taxi hay xe ôm, nên chỉ biết vừa cuốc bộ vừa ngó nghiêng xem có ai đó quen đạp xe đi ngang qua mà xin đi nhờ. Những năm 80 của thế kỷ trước, đi từ Đông Anh mà về đến Lập Thạch, với quãng đường hơn 60 km, mất đến 6 tiếng đồng hồ. Có những lần, tôi và ông ngoại đèo nhau bằng xe đạp từ Đông Anh về đến Lập Thạch, đi từ sáng mà đến chiều tối mới tới bến đò. Bên này là đất Tam Dương. Bên kia, đất Lập Thạch chào đón ông cháu tôi bằng những ruộng ngô, ruộng khoai, những rặng mai dương ven sông Phó Đáy lấp ló những con chim trả cánh xanh biếc, cúi gằm cái mỏ dài nhọn xuống như bận ngẫm nghĩ sự đời mà thực ra là tăm tia đàn cá mương đang vô tư bơi lội dưới kia.
Sông Phó Đáy vào mùa cạn thì nước chỉ ngang ống chân. Nhưng lúc đó là mùa đông, rũ chân xuống nước thấy lạnh buốt. Nhà chèo đò kéo thuyền lên bãi, chặt tre dựng cầu tạm. Ai đi qua phải chi 500 đồng một người, thêm xe đạp thì thêm 500 đồng nữa. Nhưng vẫn có những người tiếc tiền, vác xe đạp lên vai, cứ thế mà xì xụp lội sang bờ bên kia.
Vào mùa nước nổi, dòng sông phình ra, nước chảy ràn rạt. Lúc đó có tiếc tiền cũng phải chi, bởi không thể đeo cái xe đạp lên vai mà bơi qua sông được. Thời ấy, Lập Thạch có rất nhiều bến đò, bến phà. Nào đò bến Gạo, đò Bì La, đò Bản Giản qua sông Phó Đáy, đò Tứ Yên, phà Đức Bác, phà Then, phà Phương Khoan qua sông Lô, bên kia là đất Phú Thọ.
Ngày đó học sinh được nghỉ trọn ba tháng hè, không như bây giờ. Nghỉ học, chẳng có việc gì làm, tôi thường về quê ngoại, cũng là lúc vào mùa nước lụt. Ở nhà ông bà được vài hôm, có người bạn rủ qua quê hắn chơi, cũng cùng huyện nhưng khác xã. Bố hắn sinh ra ở làng Quan Tử, xã Sơn Đông, chỉ cách nhà ngoại tôi vài km. Ở đây, vào mùa nước, cả làng đi lại bằng thuyền. Nhà ai cũng xây cao hoặc ít nhất là làm mái cao có gác xép. Mùa lụt, cả nhà leo lên gác xép, mọi sinh hoạt diễn ra ở trên ấy.
“Người ta cứ hay gọi nhầm là làng Quân Tử. Nhưng phải là Quan Tử mới đúng”, thầy giáo Trân Như Hân, bác ruột bạn tôi, nói. Ông Hân bảo làng có nhiều người đỗ đạt, có truyền thống khoa bảng nên mới có tên là Quan Tử, nghĩa là “con nhà quan”. Xã Sơn Đông quanh năm lụt lội này vốn nổi tiếng với hai nhân vật thời nhà Trần và nhà Lê là nhà giáo Đỗ Khắc Chung (sau được đổi theo họ vua thành Trần Khắc Chung) và danh tướng Trần Nguyên Hãn. “Dân gian cứ hay nhầm gọi là đền Trần Khắc Chung. Nhưng đền thờ quan võ, miếu thờ quan văn”, thầy giáo Hân, năm đó đã nghỉ hưu, nói. Nhà thầy Hân nằm ngay cạnh miếu thờ Trần Khắc Chung. Theo sử sách, ngôi miếu được xây dựng từ khoảng giữa thế kỷ XIV trên nền lớp học cũ mà nhà giáo Đỗ Khắc Chung dùng làm nơi dạy học cho nhiều thế hệ con em dân làng Quan Tử - tên nôm là làng Gốm, dân quen gọi là miếu cụ Đỗ. Từ khi cụ Đỗ về dạy, việc học hành phát đạt, khoa mục nối đời đỗ đạt nên gọi là làng Quan Tử. Dân làng lập miếu thờ cụ Đỗ, tôn làm thành hoàng làng. Đỗ Khắc Chung là nhân vật mà theo sử sách, có liên quan đến sự kiện đưa Huyền Trân công chúa từ Chiêm Thành trở về. Dù giới sử gia vẫn còn nhiều ý kiến và đánh giá khác nhau về Đỗ Khắc Chung, đối với dân làng Quan Tử, ông là người “có học vấn cao, uyên bác về ngoại giao, quân sự, thông thái văn chương được người đời khen là giỏi”.
Một tên tuổi khác gắn bó với đất Sơn Đông là danh tướng Trần Nguyên Hãn thời nhà Lê. Vùng Sơn Đông, Lập Thạch này chính là đất vua ban cho gia tộc Trần Nguyên Hãn.
Theo tài liệu của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Trần Nguyên Hãn thuộc dòng dõi vương tộc nhà Trần và có công lớn giúp Lê Lợi đánh tan quân xâm lược nhà Minh, giành thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Tên tuổi của ông gắn với những chiến thắng vang dội mang tên Tân Bình – Thuận Hóa, Bố Chính, Đông Bộ Đầu, Xương Giang. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, mở đầu triều đại Lê sơ, Trần Nguyên Hãn được ban quốc tính và phong chức Tả Tướng quốc. Một thời gian sau, ông xin về an trí tại phủ đệ ở Sơn Đông, Lập Thạch. Do gian thần ghen ghét, ông bị mưu hại phải nhảy xuống sông tự vẫn. 26 năm sau, dưới triều vua Lê Nhân Tông (1455) Trần Nguyên Hãn được minh oan và phong hiệu “Khai quốc nguyên huân”, đến thời nhà Mạc được tặng phong “Tả tướng quốc trung liệt đại vương”.
Thầy giáo Hân nói vì vùng này mỗi năm có mấy tháng lụt lội, trâu bò lợn phải đi gửi, gà vịt chó mèo cũng phải lên tầng hai hay gác xép ở chung với người, không tránh khỏi cảnh mồ mả ông bà, đền miếu các vị danh nhân chịu cảnh ngâm trong nước. Hôm ấy, nước chưa rút hẳn nhưng đã bớt ngập, tôi cùng anh con trai lớn thầy giáo Hân ngồi bên thềm nhà câu tôm. Cần câu bằng tre vót, lưỡi câu nhỏ xíu gắn miếng thịt cá, khi nào thấy đầu cần gục gặc thì từ từ nhấc lên. Cách đó vài chục mét là ngôi miếu Đỗ Khắc Chung với bức tường vẫn còn hằn rõ vệt nước ngập cao gần tới mái.
Thầy giáo Hân bảo năm nào dân làng, con cháu họ Trần cũng tổ chức tôn tạo ngôi miếu thầy giáo Đỗ và đền thờ Tả tướng quốc. Nhờ vậy mà dù thường xuyên chịu lụt nhưng hai di tích ấy vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Ở chơi vài ba buổi, tôi xin phép thầy Hân trở về nhà ông bà ngoại. Địa thế khu vực xã tôi cao hơn Sơn Đông một chút. Lúc này, trên những cánh đồng, nước đã rút bớt, để lộ dần bờ ngang bờ dọc. Cả làng đổ ra đồng tát cá. Mà cá trong ruộng hoàn toàn là ẩn số. Có thể là chú chép, chú trôi lạc từ ao nhà ra đồng, có thể là con chạch, con mương ngoài thiên nhiên. Trẻ con thích nhất lúc này, tha hồ vầy bùn, tha hồ nghịch ngợm. Cuối buổi, cái xô, cái sảo linh tinh đủ thứ cá: trê, chép, mè ranh, đòng đong cân cấn, chạch trấu… Buổi chiều hôm ấy ngoài cơm độn sắn, rau muống luộc còn có món cá kho. Ông tôi thường lựa tìm khúc cá chuối, cá chạch ninh ních thịt mà gắp vào bát cháu kèm theo lời mắng: “Ăn đi còn lấy sức mà nghịch nhá ông tướng”.
Nhưng dù có muốn được nghịch ngợm, muốn tiếp tục ra đồng tát cá hay đi chăn trâu, tôi vẫn phải trở về Hà Nội để đi học. Nước chưa rút hẳn, đường vẫn còn ngập nhiều đoạn, xe khách không chạy. Để cháu về kịp đi học, bác cả đi mượn ở đâu đó một chiếc xe máy hiệu Simson. Lúc đó tôi đã học lớp 8, võ vẽ đi được xe tay côn. Bác cả chở tôi chạy về phía đò Bến Gạo. Nhưng gần tới nơi thì phát hiện ngoài này nước vẫn cao, không thể nào tiếp cận bến đò. Bác cả đi đường vòng chạy về bến Bì La, ở đây địa thế cao hơn. Thấy tôi nói biết chạy xe côn tay, bác cho tôi đi thử. Lúc đầu thì cũng ổn. Nhưng sau khi qua đò, xe phải vượt dốc để lên mặt đê. Tôi tăng ga lao lên, cố né con trâu đang gặm cỏ. Nhưng khi xe đi ngang qua, nó bỗng quay đầu vẩy sừng, điều mà một cậu bé còn non nớt không hề nghĩ đến. Ông bác tôi bị cái sừng trâu phang một cái trúng vào đầu gối, chỉ một loáng sưng lên như quả ổi.
Đó là những năm 89-90 của thế kỷ trước. Nay ông tôi, bác tôi đều đã mất. Đò Bến Gạo, Bì La không còn, thay vào đó là cầu Bến Gạo, cầu Bì La. Phà Đức Bác cũng dừng hoạt động bởi hai bờ sông Lô đã có cầu Vĩnh Phúc nối liền huyện Sông Lô, Lập Thạch với Việt Trì của Phú Thọ. Vùng Sơn Đông và cả huyện Lập Thạch không còn cảnh ngập lụt vì thủy điện trên sông Đà đã điều tiết nước. Và nếu muốn đi từ Hà Nội về Lập Thạch, chỉ mất hơn một giờ chạy theo cao tốc Hà Nội – Lào Cai. Lập Thạch, Sông Lô không còn bị cô lập như ngày xưa.
Nhưng lâu lâu tôi vẫn thấy nhớ nhung cái thời vất vả, khốn khó ấy, giống như người ta thỉnh thoảng nhớ về thủa ấu thơ, nhớ về những người thân yêu nay đã không còn. Đó là những ký ức chứa đầy cảm xúc, không chỉ làm ta cảm thấy gần gũi với quá khứ, mà còn mang lại cảm giác ấm áp, an ủi, và đôi khi giúp ta tìm lại giá trị, ý nghĩa của cuộc sống hiện tại.