Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về việc chữa bệnh bằng các phương thuốc chưa được kiểm chứng, nhưng nhiều người vẫn bỏ qua. Không ít trường hợp bị nhiễm trùng da, hoại tử da… do các bài thuốc truyền miệng.
Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới trung ương đang điều trị cho nữ bệnh nhân (43 tuổi - Hà Tĩnh) bị hoại tử nặng nề bàn chân, nguyên nhân: cho ong đốt để chữa viêm khớp. Tiền sử, chị bị viêm khớp dạng thấp 20 năm nay và thường xuyên tự điều trị bằng corticoid nhưng không hiệu quả. 6 năm trước, qua tìm hiểu trên mạng, chị đã tìm đến phương pháp cho ong đốt vào chân để chữa và cảm thấy tình trạng bệnh đỡ hơn. Gần đây, khi cơn đau tái phát, bệnh nhân tiếp tục áp dụng phương pháp này tại nhà một thầy lang, cho ong đốt chi chít ở cả hai đầu gối.
Sau điều trị, khoảng 1 tuần gần đây, người bệnh thấy biểu hiện sưng, nóng đỏ, đau nhiều vùng cẳng, bàn chân phải. Nghe người mách, chị tự đắp, bôi nhiều loại thuốc tại nhà. Tuy nhiên, cẳng chân phải chỗ đắp thuốc không những không đỡ mà còn sưng đau, hoại tử. Bệnh nhân sốt cao liên tục, khi sốt thì mê man, nói nhảm, được gia đình đưa đến cơ sở y tế điều trị với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, viêm mô mềm. Điều trị được 1 ngày, bệnh tình nặng hơn, người bệnh được chuyển đến cấp cứu tại BV Bệnh Nhiệt đới trung ương. Lúc này, bệnh nhân đã ở trong tình trạng kích thích, nói nhảm, sốt liên tục; sưng đỏ, đau cẳng chân phải nhiều, loét hoại tử chảy mủ mu bàn chân phải, biến dạng khớp bàn ngón tay hai bên.
Tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương, bệnh nhân được chẩn đoán: nhiễm khuẩn huyết - viêm mô bào cẳng bàn chân phải/viêm đa khớp dạng thấp. Các bác sĩ đã điều trị cắt cơn sốt cho bệnh nhân, sau đó phẫu thuật cắt lọc tổ chức hoại tử.
BS Phạm Văn Tỉnh - khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình và thần kinh cột sống (BV Bệnh nhiệt đới trung ương) cho biết, ca mổ kéo dài gần 1 giờ. Các bác sĩ đã cắt lọc tổ chức hoại tử và làm sạch các khoang ở cẳng chân. Sau mổ, bệnh nhân dần ổn định và tỉnh táo lại. Hiện tại bệnh nhân đang được điều trị chờ vết thương ổn định trước khi tiến hành cấy da từ vùng đùi.
Với suy nghĩ thuốc nam thường lành tính nên không ít người bệnh mới chỉ nghe lời mách bảo, truyền miệng đã vội vàng tìm đến các loại thuốc/các bài thuốc để chữa bệnh, hoặc uống bổ sung sức khỏe. Trên thực tế, việc sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc tràn lan, bừa bãi, không có hướng dẫn cụ thể của người có chuyên môn rất dễ khiến người bệnh rơi vào tình trạng “tiền mất tật mang”, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.
Các bác sĩ cảnh báo, việc sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc có thể gây ra các biểu hiện dị ứng cho người bệnh từ nhẹ đến nặng như: mề đay, mẩn ngứa, ban đỏ da, đến những trường hợp nặng như hội chứng TEN - hoại tử thượng bì nhiễm độc. Cùng với đó, do thói quen tự ý sử dụng thuốc điều trị không theo chỉ định của bác sĩ, nên tỉ lệ dị ứng thuốc còn cao và nhiều bệnh nhân khi bị dị ứng không biết rõ mình bị dị ứng thuốc gì để phòng tránh. Đối với các loại thuốc mà bệnh nhân sử dụng không theo chỉ định của bác sĩ thường không có thành phần rõ ràng, nên khi bị dị ứng sẽ không biết rõ thành phần chính gây dị ứng để phòng tránh.
BS Nguyễn Thị Thảo Nhi - Khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em (BV Da liễu trung ương) phân tích, dị ứng thuốc là phản ứng không mong muốn của thuốc do đáp ứng miễn dịch đặc hiệu của cơ thể đối với thuốc. Dị ứng thuốc được chia thành nhiều thể với mức độ khác nhau. Trong đó, có phản ứng nặng của da và niêm mạc, nguyên nhân phổ biến nhất là do thuốc, đặc trưng bởi tình trạng hoại tử lan tỏa và mất thượng bì.
Nhiều bệnh nhân chỉ vì sai lầm và thiếu hiểu biết trong việc xử lý các vết thương hoặc sử dụng thuốc truyền miệng đã làm các tổn thương diễn biến nặng. Từ ca bệnh cho ong đốt để chữa thấp khớp dẫn đến hoại tử nặng bàn chân nói trên, BS Phạm Văn Tỉnh cảnh báo, đây là một ví dụ điển hình về việc tự ý điều trị bệnh bằng các phương pháp không được kiểm chứng, gây hậu quả nặng nề. Do đó, khi gặp các vấn đề về sức khỏe, người dân hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.