Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Chương trình MTQG 1719 vẫn còn gặp vướng mắc về cơ chế, phương thức thực hiện... cần được tháo gỡ.
Được biết, huyện Tân Sơn là huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Phú Thọ với 32 dân tộc sinh sống ở 17 xã. Trong đó, tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm tới 83,5% dân số toàn huyện. Thực hiện Chương trình MTQG 1719, huyện Tân Sơn đã tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện 3 Chương trình MTQG, giai đoạn 2021 - 2025 và triển khai thực hiện kế hoạch năm 2023.
Theo đó, huyện Tân Sơn chủ trương đầu tư tập trung, không dàn trải, lựa chọn đúng đối tượng ưu tiên ở 10 dự án, đặc biệt là đối với các dự án: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt…
Theo ông Trần Khắc Thăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cho biết, hết năm 2022, theo chuẩn nghèo đa chiều, giai đoạn 2021 - 2025, tỉ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi là 16,37%, giảm được 1,7%; tỉ lệ hộ cận nghèo vùng DTTS và miền núi còn 9,03%, giảm được 1,5%; tỉ lệ hộ nghèo là người DTTS giảm được 1,92%. Các lĩnh vực Giáo dục - đào tạo được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; y tế và chăm sóc sức khỏe vùng DTTS và miền núi được quan tâm, chú trọng hỗ trợ y tế cơ sở, nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho người dân. Số lao động được giải quyết việc làm tăng thêm trên 6.000 người; trong đó xuất khẩu lao động đạt trên 1.000 người. Số khu dân cư đủ tiêu chí ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn được 9/18 khu, đạt 50% kế hoạch giai đoạn I…
Còn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, theo kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh là trên 1.177 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương trên 962 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 215 tỷ đồng. Trên thực tế, việc triển khai Chương trình MTQG 1719 của tỉnh Phú Thọ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Về cơ chế, hiện một số quy định còn chưa đồng bộ, thống nhất; trùng lặp về nhu cầu, đối tượng; công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa thật sự chặt chẽ, vai trò của cơ quan chủ dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần chưa được phát huy…
Ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, vùng đồng bào DTTS của tỉnh Phú Thọ còn rất nhiều khó khăn. Vì vậy, nguồn lực của Trung ương trong việc triển khai Chương trình MTQG 1719 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tác động to lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh. Do đó, Phú Thọ sẽ triển khai quyết liệt, nâng cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm nguồn vốn phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Trước mắt, tỉnh Phú Thọ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, nhất là đối với những nội dung còn vướng mắc, cần tháo gỡ. Cùng với đó, tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực hỗ trợ cho vùng DTTS và miền núi, phát huy sức mạnh nội lực trong đồng bào, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án thuộc chương trình.