Ngày 15/10, tại Hà Nội, Cục phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) đã tổ chức hội thảo góp ý xây dựng dự thảo nghị định mới liên quan tới thi hành một số điều của Luật phòng, chống mua bán người.
Tại hội thảo, ý kiến nhiều đại biểu cũng cho rằng, tình hình mua bán người hiện nay ngày càng gia tăng cả về số vụ và số nạn nhân. Nhiều vấn đề trong lĩnh vực này đã “vượt xa” chính sách hiện hành của Việt Nam. Điều này đã đặt ra những thách thức không nhỏ trong công tác tiếp nhận, xác mình, bảo vệ và hỗ trợ tái hòa nhập cho nạn nhân mua bán người.
Trong khi đó, việc triển khai hỗ trợ nạn nhân đang bộc lộ những bất cập. Cụ thể, mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội đã hình thành, nhưng chưa có cơ chế quản lý, vận hành rõ ràng, nên một số cơ sở hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Với nạn nhân bị mua, bán trở về, việc tư vấn, ổn định tâm lý cần thực hiện ngay trong thời gian lấy lời khai, lập hồ sơ tiếp nhận ban đầu. Tuy nhiên, hiện nay, các điểm tiếp nhận không có cán bộ chuyên môn về tư vấn tâm lý, thiếu cán bộ nữ để bảo đảm yếu tố nhạy cảm về giới, khi tiếp nhận nạn nhân phần lớn là nữ. Trình tự, thủ tục hỗ trợ nạn nhân khá phức tạp, nên nhiều nạn nhân không muốn làm thủ tục đề nghị hỗ trợ…
Nhằm nâng cao chất lượng trợ giúp nạn nhân bị mua bán trở về, Bộ LĐTB&XH nghiên cứu, lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người và các quy định khác liên quan cho phù hợp với thực tiễn, lấy nạn nhân làm trung tâm trong các hoạt động trợ giúp. Theo đó, các cơ quan chức năng đề xuất bổ sung đối tượng hỗ trợ là người nước ngoài bị mua, bán được trao trả qua Việt Nam. Trình tự, thủ tục, chế độ hỗ trợ nạn nhân được quy định cụ thể theo 3 giai đoạn: Hỗ trợ ban đầu, hỗ trợ phục hồi, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, nhằm hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân.
Theo đó, Dự thảo nghị định cũng bổ sung một số điều về thực hiện chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân. Cụ thể khuyến khích các tổ chức, các cá nhân tham gia vào quá trình hỗ trợ nạn nhân; quy định chế độ hỗ trợ nạn nhân theo quy định của Chính phủ về trợ giúp xã hội và một số quy định hỗ trợ đặc thù;...Liên quan tới thời gian hỗ trợ cho nạn nhân trong các cơ sở bảo trợ xã hội, để đảm bảo tính đồng bộ, dự thảo nghị định quy định tối đa là 90 ngày, thay cho 69 ngày như hiện nay…
Theo bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTB&XH, Luật phòng, chống mua bán người và các nghị định liên quan đã thực hiện được gần 10 năm. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tiếp nhận xác minh bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân đang đứng trước những khó khăn thách thức. Chính vì vậy việc rà soát, xây dựng và bổ sung những quy định mới cho phù hợp là cần thiết.