Chiều 29/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp nhằm tiếp tục triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử và phân cấp chữ ký số. Tại đây nhiều ý kiến đề nghị cần hoàn thiện khung pháp lý, tránh 2 hệ thống vừa giấy tờ, vừa không giấy tờ.
Theo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính VPCP, về kết quả gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia, đến nay, 100% các bộ, ngành, cơ quan, địa phương đã kết nối, liên thông và gửi, nhận văn bản điện tử. Từ ngày 12/3/2019 đến ngày 27/5/2019, đã có 36.327 văn bản gửi và 105.325 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Trong đó, có 7.919 văn bản điện tử gửi đến VPCP và có 5.839 văn bản là có chữ ký số.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rất mạnh mẽ, mục tiêu là thực hiện Chính phủ phi giấy tờ, vì vậy: “Chúng ta xác định đây là bước đầu để kết nối với các cơ quan hành chính nhà nước, từ đó để đi vào thực chất nhiệm vụ tiếp theo trên cơ sở Trục liên thông văn bản quốc gia để tích hợp, là nền tảng kết nối chia sẻ tiến tới Cổng Dịch vụ công quốc gia”.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp với VPCP, Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 110/2004/NĐ-CP về công tác văn thư để đáp ứng yêu cầu xử lý hồ sơ trên môi trường mạng; có phương án hướng dẫn về thể thức, quy trình ký số văn bản phát hành điện tử; đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm công bố Khung kiến trúc Chính phủ điện tử...
Đề nghị các đơn vị cung cấp dịch vụ như VNPT, Viettel, FPT chịu trách nhiệm về hạ tầng, an ninh, an toàn cho hệ thống cũng như bảo đảm an toàn dữ liệu.