Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 771, yêu cầu các địa phương về việc rà soát việc xử lý tài sản, trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019-2021 và phương án thực hiện cho giai đoạn 2023-2030. Thực tế cho thấy tại nhiều địa phương, sau sáp nhập đã để xảy ra tình trạng lãng phí tài sản công, trong đó có nhiều khu nhà vốn là trụ sở làm việc.
Thông tin từ Bộ Nội vụ, giai đoạn 2019-2021 cả nước đã thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.056 đơn vị hành chính cấp xã, qua đó giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 3.437 cơ quan ở cấp xã. Giảm chi ngân sách nhà nước khoảng 2.008 tỷ đồng. Theo Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị, từ năm 2022-2030, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Trong đó, giai đoạn 2023-2025, dự kiến cả nước sẽ sắp xếp khoảng 33 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.327 đơn vị hành chính cấp xã.
Như vậy có thể thấy, sau khi sáp nhập, công sản sẽ dôi dư khá nhiều (đất và tài sản trên đất), đó là nguồn lực rất lớn. Từ đó, vấn đề đặt ra là làm sao tránh lãng phí tài sản công sau khi sáp nhập đơn vị hành chính.
Thực tế cho thấy thời gian qua ở những địa phương đã tiến hành sáp nhập thì nhiều tài sản công bị bỏ hoang. Có thể nêu ví dụ: Thanh Hóa là tỉnh đi đầu cả nước trong việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính. Giai đoạn 2019-2021, toàn tỉnh đã giảm 76 xã, 1.578 thôn, tổ dân phố của 27 huyện, thị xã và thành phố. Báo cáo từ Sở Tài chính tỉnh này cho biết, số cơ sở nhà đất dôi dư sau khi sáp nhập là 789 cơ sở, đã được UBND tỉnh phê duyệt chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý. Đáng chú ý, đa số những tài sản này còn giá trị lớn, giá trị khấu hao tài sản còn nhiều, có thể sửa chữa cải tạo để sử dụng, thậm chí một số địa bàn công trình vẫn mới, chưa kịp đưa vào sử dụng.
Nhưng đáng tiếc, Thanh Hóa không phải là địa phương duy nhất mà nhiều địa phương khác cũng diễn ra tình trạng hoang phí tài sản công sau sáp nhập. Nói như ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, thì vẫn còn nhiều trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp chưa được bố trí, sử dụng hiệu quả; việc tổ chức thanh lý, bán đấu giá các trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp còn chậm, gặp nhiều khó khăn. Trong đó có những địa phương không chỉ để không trụ sở mà còn phải bố trí thêm kinh phí thuê trông coi. Trong khi đó trụ sở sau sáp nhập lại không đủ chỗ làm việc, buộc phải đầu tư xây dựng thêm.
Đây chính là sự lãng phí. Vậy, ai có quyền và trách nhiệm giải quyết việc này?
Bộ Tài chính cho biết, việc sắp xếp, xử lý công sản sau sáp nhập được Chính phủ giao UBND cấp tỉnh hướng dẫn thực hiện. Đây là cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương lập phương án và tổ chức xử lý tài sản sau khi sắp xếp lại, thay vì mỗi nơi “sáng kiến” một kiểu; hoặc, sau khi đấu giá, bán đi, khi cần thì mất không gian hay diện tích đất đai đắc địa. Trong khi số tiền thu được từ việc khai thác, xử lý tài sản công, thu từ giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất thuộc tài sản công như nhà, đất thường chiếm khoảng 12 - 14% tổng thu ngân sách hàng năm, tương đương gần 200.000 tỷ đồng (trên phạm vi cả nước).
Sở dĩ có tình trạng “hoang hóa” trụ sở đơn vị hành chính sau sáp nhập còn bởi lãnh đạo địa phương sợ sai trong quá trình thanh lý, bán đấu giá từ đó dẫn đến việc đùn đẩy, né tránh. Khối tài sản công đó rất lớn nhưng do thái độ “sợ sai” của cán bộ nên đành hoang hóa mà “trơ gan cùng tuế nguyệt” trước sự bức xúc của người dân địa phương.
Một giai đoạn sáp nhập đã qua (giai đoạn 2019-2021), đã bước vào giai đoạn tiếp theo (2022-2025), rất cần phải tổng kết, rút kinh nghiệm và cả quy trách nhiệm đối với những địa phương, cá nhân lãng phí của công; làm phân tán, giảm nguồn lực địa phương. Nói cách khác, việc quản lý - sử dụng tài sản nhà đất công của các đơn vị hành chính sau khi sáp nhập cần phải thực hiện một cách công khai, minh bạch, đúng luật, để không xảy ra thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước; nhưng cũng không thể để tình trạng đùn đẩy, né trách trách nhiệm kéo dài.
Đã đến lúc cần ban hành quy định các chế tài kèm theo lộ trình cụ thể, nếu địa phương nào để hoang hóa, lãng phí trụ sở sau sáp nhập thì cần quy trách nhiệm người đứng đầu.
Xin được nhắc lại, đất đai là lĩnh vực chiếm đến gần 80% đơn thư khiếu nại, khiếu kiện hàng năm. Vì thế, càng không thể để tình trạng hoang hóa, lãng phí công sản (đất và tài sản trên đất) sau khi sáp nhập. Công sản là của Nước, của Dân, không thể để rơi vào cảnh “cha chung không ai khóc”.