Về vụ việc Câu lạc bộ Tình Người, bên hành lang Quốc hội sáng 30/3, Giáo sư, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho rằng, các cơ quan chức năng theo phân cấp thuộc thẩm quyền của ai thì phải theo đúng để xử lý.
Từ vụ việc CLB Tình Người, Giáo sư, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho rằng, bây giờ phải hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự tất cả mọi giao dịch về tài sản và kinh doanh thương mại, hoàn thiện hệ thống pháp luật và quy định rất rõ tất cả các giao dịch nào cần phải có hợp đồng và trách nhiệm trong hợp đồng đó.
Nghị định hướng dẫn trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính cũng cần xác định rõ ranh giới của ngành nghề nào được phép thực hiện. “Lợi dụng niềm tin, đánh vào từ thiện, tín ngưỡng hay tôn giáo cần có quy định rõ ràng. Nhưng ở đây cũng có trách nhiệm thuộc các cơ quan quản lý nhà nước, phải có trách nhiệm nghiên cứu, chỉ ra các mối quan hệ mới phát sinh để kịp thời tham mưu cho các cơ quan chức năng ban hành văn bản để quản lý ngay”, ông Đức cho hay.
Theo Giáo sư, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, những người vi phạm pháp luật và tội phạm thường lợi dụng lúc cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước chưa có văn bản thì tranh thủ làm “một mớ”. Xã hội và các quan hệ xã hội luôn luôn phát sinh cần được điều chỉnh bằng pháp luật. Bởi vì nó sẽ rơi vào hai hướng.
Một là phát triển tích cực hoặc tiêu cực. Như vậy tích cực cũng phải có để điều chỉnh làm sao nó không vượt quá mức và có quy định để không để xảy ra tiêu cực. Bởi, bây giờ các đối tượng vẫn chủ yếu lợi dụng vào lòng tham, sự thiếu hiểu biết, sự mơ hồ, kể cả người thực thi pháp luật và người quản lý.
Để ngăn chặn việc lợi dụng tự do tín ngưỡng để trục lợi như vụ việc CLB Tình Người, theo Giáo sư, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, lực lượng công an, nhất là lực lượng công an cơ sở cần nắm hộ, nắm dân, nắm người. Phát hiện những hiện tượng, sự vật có vấn đề thì phải làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình.
“Sau khi nắm tình hình rồi, thấy những hiện tượng đó thì báo cáo lãnh đạo cấp trên để xin chủ trương chỉ đạo. Đồng thời phảingười thông hiểu về pháp luật, về phong tục, tập quán về những quy phạm xã hội để tuyên truyền cho người dân. Nếu làm hết trách nhiệm, tôi nghĩ rằng mọi thứ sẽ tốt”, Giáo sư, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức cho hay.
Cũng theo Giáo sư, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, lực lượng công an chỉ đưa ra những lời cảnh báo, nhắc nhở, tuyên truyền. Còn quan trọng nhất là người dân phải tự giác, tự ý thức, nghe sự khuyến cáo của cơ quan bảo vệ pháp luật và lực lượng công an cơ sở. Khi “dính” vào, cần phải chủ động, tự giác khai báo để lực lượng chức năng tham mưu hướng dẫn và để có những biện pháp kịp thời ngăn chặn, đừng để mọi việc đi quá muộn. Nếu như người dân nhận thức, sẵn sàng đến cơ quan công an trình báo chắc chắn sẽ không xảy ra những hậu quả.
Liên quan đến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ về vấn đề trên, theo ông Đức cần căn cứ vào pháp luật, các cơ quan chức năng theo phân cấp thuộc thẩm quyền của ai thì phải theo đúng quy định pháp luật để xử lý.
“Tất nhiên trong vụ việc lên tới cả nghìn người nên việc phân loại rất khó. Cho nên rõ ràng cần phải rất nỗ lực quyết tâm, công tâm và phải trách nhiệm, từ đó sẽ phân loại ra để xử lý. Đồng thời người dân phải tự giác khai báo, tự giác tố giác, tố cáo. Khi người dân chủ động tố cáo thì công an mới có thêm thông tin vì xử lý bây giờ phải dựa trên cơ sở chứng cứ và dựa trên cơ sở pháp lý”. Giáo sư, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội nói.