Hoạt động ngoại khóa: An toàn phải được đặt lên hàng đầu

Thu Hương 04/04/2023 06:15

Sự việc học sinh Trường Tiểu học Kim Giang (Hà Nội) nghi ngộ độc thực phẩm trong quá trình đi trải nghiệm, lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc bảo đảm an toàn cho học sinh khi tham gia các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường.

Cần đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi dã ngoại. Ảnh minh họa.

Nhiều nỗi lo

Ngày 28/3, Trường Tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) tổ chức cho 915 học sinh khối 1 và khối 2 đi tham quan tại Nông trại giáo dục Cánh Buồm Xanh (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Đến chiều khi chuyến đi kết thúc, về đến trường, một số học sinh có biểu hiện đau bụng, nôn, buồn nôn nên được chuyển đến khám tại các bệnh viện như Bạch Mai; Đa khoa Đống Đa; Xây Dựng; Nhi trung ương và Đa khoa Xanh Pôn.

Kết quả kiểm nghiệm ban đầu các thực phẩm và nước uống đã xác định nguyên nhân khiến học sinh nhập viện là do vi khuẩn tụ cầu vàng có trong món thịt gà của bữa ăn trưa. Được biết, đồ ăn trưa cho học sinh được nấu tại trường và vận chuyển đến địa điểm trải nghiệm. Trước đó, nhà trường đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần thực phẩm Ngôi Sao Xanh (ở xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội để cung cấp bữa ăn bán trú. Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, rà soát lại nguyên nhân vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm vào thịt gà từ khâu vận chuyển hay trong quá trình chế biến.

Vấn đề đặt ra là các suất ăn được cung cấp và chế biến theo quy trình đã được phê duyệt và được thực hiện bởi bộ phận bán trú của nhà trường. Nghĩa là câu chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng bữa ăn bán trú - nỗi lo lắng của tất cả các bậc phụ huynh khi đăng ký ăn tại trường lại một lần nữa được đặt ra.

Trong khi đa số các gia đình ở thành phố không có điều kiện đưa đón trẻ về buổi trưa, việc đăng ký ăn bán trú là một giải pháp thuận lợi. Tuy nhiên, nhiều nỗi lo lắng khác lại đặt ra về nguồn gốc thực phẩm, quy trình chế biến... Ngay cả với những suất ăn có giá hàng trăm nghìn cũng không có nghĩa là đảm bảo an toàn, như vụ việc xảy ra vào cuối năm 2022 ở một trường học tại Nha Trang khiến 1 học sinh tử vong.

Chị Mai Thị Lan (phụ huynh ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, thực phẩm được vận chuyển đến trường mỗi ngày, nếu chỉ nhìn bằng mắt thường thì phụ huynh, giáo viên không thể phân biệt được đâu là thực phẩm đã bị nhiễm độc, đâu là thực phẩm sạch. Vì vậy, trước hết nhà trường phải lựa chọn được bên cung ứng nhập thực phẩm chuyên nghiệp, uy tín và xuất trình đầy đủ giấy tờ chứng minh thực phẩm có nguồn gốc, được kiểm chứng đàng hoàng. Đó là về mặt thủ tục còn thực phẩm hàng ngày phải được kiểm tra kỹ về độ tươi mới, không có mùi lạ…

Trách nhiệm không của riêng ai

Theo ông Phạm Gia Hữu - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân (Hà Nội), công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại trường học, trách nhiệm chung chỉ đạo là cán bộ quận, cơ quan thường trực, phòng y tế quận. Còn Phòng Giáo dục chỉ đạo về chuyên môn.

Dẫu vậy, mỗi vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra liên quan tới suất ăn bán trú dù xuất phát từ thực phẩm, hoặc trong quá trình vận chuyển hay khâu chế biến gặp sơ sẩy thì cũng có trách nhiệm của nhà trường, đơn vị cung ứng và cả các cơ quan quản lý.

Đặc biệt, với các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường do trường tổ chức, vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh được đặt lên hàng đầu, trong đó có bữa ăn được tổ chức cho học sinh tại nơi diễn ra hoạt động. Như vụ việc xảy ra với học sinh Trường Tiểu học Kim Giang, đồ ăn vẫn do bộ phận bán trú của nhà trường thực hiện như tất cả những ngày khác, chỉ thay đổi là đưa thức ăn này đến nơi dã ngoại để ăn. Trong khi với nhiều hoạt động khác, nếu địa điểm tổ chức xa nhà trường thì bữa ăn cũng phải tổ chức nấu nướng tại chỗ, với đơn vị cung cấp khác… Những nguy cơ từ những bữa ăn này nói riêng cũng như các hoạt động khác làm sao diễn ra an toàn, hữu ích với học sinh là vấn đề được đặt ra hàng đầu.

Theo ông Hữu, trong giai đoạn chuyển giao từ xuân sang hè sẽ có nhiều trường tổ chức đi dã ngoại, thời tiết thay đổi nên dễ ảnh hưởng đến sức khoẻ học sinh. Tới đây, những kế hoạch tổ chức học tập ngoại khóa của các trường, Phòng Giáo dục sẽ quán triệt thêm đến hiệu trưởng, chú trọng quan tâm các điều kiện thời tiết, vệ sinh bếp ăn, nguồn thực phẩm đưa vào trường để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh.

Nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương, như Nghệ An, TPHCM gần đây đã có văn bản gửi các phòng giáo dục và đào tạo, các đơn vị trực thuộc Sở để chấn chỉnh việc tổ chức hoạt động tham quan, trải nghiệm cho học sinh.

Mặc dù đây là hoạt động được khuyến khích để tăng trải nghiệm cho học sinh, nhưng theo Thông tư 22/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không có điều nào quy định nhà trường tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm, ngoại khóa để làm bài thu hoạch lấy điểm các môn học. Vì vậy, khi tổ chức các nhà trường cần có kế hoạch cụ thể với những giải pháp quản lý học sinh thật chặt chẽ; cần lựa chọn những đơn vị cung cấp dịch vụ tham quan, trải nghiệm có đủ năng lực, uy tín, xe vận chuyển đảm bảo chất lượng; lái xe phải có ý thức tốt, có trách nhiệm cao, nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Nhà trường phải chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí cán bộ giáo viên, phụ huynh cùng tham gia và quản lý học sinh bảo đảm an toàn khi tổ chức, tránh những trường hợp mất an toàn có thể xảy ra.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, dã ngoại là hoạt động rất tốt để rèn luyện kỹ năng, cung cấp tri thức, bài học thực tế cho học sinh, nhưng quan trọng nhất là vấn đề tổ chức và kiểm soát an toàn cho các em. Nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra từ những buổi dã ngoại, trải nghiệm ngoài nhà trường nên không chỉ rút kinh nghiệm từ phía nhà trường mà cần có sự vào cuộc, chỉ đạo, hướng dẫn sát sao từ phía cơ quan quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hoạt động ngoại khóa: An toàn phải được đặt lên hàng đầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO